-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
10 BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: NHẬN BIẾT VÀ KHẮC PHỤC
Thursday,
06/07/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và được nhiều hộ nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, sầu riêng không dễ chăm sóc do sự mẫn cảm cao với môi trường, thường xuyên bị nhiều loại bệnh hại tấn công. Bà con hãy cùng tìm hiểu 10 loại bệnh thường gặp ở cây sầu riêng trong bài viết này nhé!
I. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH THÁN THƯ
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Bệnh thán thư trên sầu riêng do tác nhân nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh gây hại nặng trong mùa mưa.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh thán thư
Bệnh thường xuất hiện ở khoảng giữa tán lá trở xuống thường xuất hiện ở lá già. Đầu tiên là những vết trong như nhũn nước. Xuất hiện ở chóp hoặc rìa lá. Sau đó vết bệnh lớn dần có tâm màu xám trắng, có nhiều vòng đồng tâm. Trên vòng đồng tâm có những chấm nhỏ li ti màu đen. Viền vết bệnh có màu nâu đỏ. Xung quanh vết bệnh có quầng vàng trắng. Các lá nhiễm nặng thường rụng sớm, những cây lớn thiếu sự chăm sóc (thiếu phân bón).Bệnh có thể làm rụng 2/3 số lá trên cây.
2. Biện pháp khắc phục
- Bà con tiến hành cắt tỉa các cành lá, hoa quả nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy, tránh lây lan.
- Sử dụng phân thuốc để sát khuẩn và diệt nấm. Đồng thời tăng kích kháng cho cây để giúp cây chống chọi lại với bệnh hại.
- Chăm sóc cho cây trồng khoẻ mạnh, tưới đủ nước và bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây.
- Cải tạo nền đất trồng thật tốt, tăng cường bón các loại phân hữu cơ hoai mục hay phân đã được ủ với nấm trichoderma. Tưới bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi vào đất.
- Giữ ẩm cho đất trong mùa khô bằng cây cỏ dại hay các vật liệu hữu cơ.
- Cắt tỉa, tạo tán cho cây hợp lý, tránh để vườn rậm rạp, độ ẩm cao.
- Phun phòng nấm bệnh và côn trùng định kỳ.
- Đối với vườn cây con cần che mát cho cây.
- Thường xuyên thăm, kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh.
II. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH XÌ MỦ, CHẢY NHỰA
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Nguồn bệnh Phytopthora đã có sẵn trong vườn do trồng cây sầu riêng trên nền đất cũ đã trồng các cây là ký chủ của nấm Phytophthora như các cây cao su, hồ tiêu, dừa,…trước đây.
Nấm bệnh dễ dàng xâm nhập khi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, mưa nhiều, gió nhiều, mật độ trồng cây quá dày đặt lại không tỉa cành tạo tán…Vườn sầu riêng trồng thấp hơn so với vườn khác, nước mưa chảy tràn lan từ vườn trên xuống, tích tụ mầm bệnh vào đất và khi bị ngập trong nước, sầu riêng sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra, do bà con không kiểm tra thường xuyên vườn trồng, không phát hiện bệnh kịp thời sẽ khiến bệnh ngày càng trầm trọng và khó trị.
Còn một loại mà bà con hay gọi là xì mủ khô: Nguyên nhân không phải do nấm mà do mọt đục thân, cành gây tổn thương cho phần vỏ, vết bệnh khô ráo, có lỗ nhỏ li ti trên vết bệnh.
Biểu hiện bệnh:
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh xì mủ, chảy nhựa
- Trên thân cành: Thân cành của cây khô ráo nhưng có vết nứt hoặc chảy nhựa, bà con nên dùng dao cạo bỏ phần mô mặt bị chết phía trên, nếu thấy có màu nâu, thâm đen, hư hại thì đây chính là biểu hiện của bệnh.
- Trên lá: Bệnh tấn công cây sẽ khiến lá có những chấm đỏ màu nâu, sung nước và lan rộng nhanh nếu điều kiện không khí có độ ẩm cao, sau cùng sẽ trở thành những chấm tròn màu nâu đen, sủng nước và rìa chuyển sang màu vàng nhạt nhỏ.
- Trên quả: Là những đốm đen nhỏ sủng nước và lan rộng nhanh, nấm tạo thành một lớp màu trắng xám với nhiều bào tử bên trên bề mặt của quả và có thể lây lan qua gió mưa.
Tác hại của bệnh:
Bệnh bắt đầu tấn công từ cuống lá, cành non làm phần phía trên héo nhanh, rũ và chết dần. Khi tấn công quả bệnh sẽ hình thành vết thối dần lan rộng và sâu làm hỏng phần bên trong của quả.
Trên vỏ cây khó phát hiện bệnh sớm cho đến khi có hiện tượng chảy nhựa từ vết loét, nếu vết loét nhỏ và được phát hiện sớm thì việc phòng trừ sẽ nhanh và hiệu quả hơn, nhưng khi vết loét lan rộng, nhiều vết loét nhập lại với nhau hủy hoại vỏ cây, việc phòng trừ sẽ khó khăn hơn, tốn kém, cây khó hồi phục và trở nên suy yếu, thậm chí cây sầu riêng có thể chết nếu cây không thể vận chuyển được nước và chất dinh dưỡng.
2. Biện pháp khắc phục
- Tuyển chọn những giống sầu riêng sạch và có khả năng chống chịu với nấm bệnh Phytophthora như giống sầu riêng lá quéo, sầu riêng tứ quý, có thể dùng loại này để làm gốc ghép nhằm tăng khả năng chống bệnh cho cây sầu riêng.
- Phun tán cây với các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Photphonate, các loại gốc Đồng….(Ridomil, Aliette,…) Thân cành: Bà con dùng dao cạo bỏ hết phần vỏ bị thối nâu rồi dùng thuốc bôi lên vết bệnh.
- Vườn trồng phải đảm bảo độ cao so với mực nước từ 70-100 cm, kết hợp hệ thống tưới tiêu và thoát nước tốt, hạn chế độ ẩm cao cho vườn, đặc biệt là mùa mưa.
- Trồng cây với mật độ vừa phải để vườn được thông thoáng, sau mỗi mùa vụ cần tỉa cành, tạo tán, đảm bảo đủ ánh sáng tránh mầm bệnh sinh sôi, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển.
- Sau khi tiêu diệt những bộ phận bị bệnh của cây bà con không nên vứt bừa bãi, cần nhanh chóng tiêu hủy triệt để, tránh mầm bệnh lây lan.
- Tuy nhiên việc dùng thuốc phun lên tán cây hay bôi trực tiếp có phần không hiệu quả do nấm Phytophthora gây bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, thuốc phun hoặc bôi sẽ nhanh mất tác dụng, chưa kể sầu riêng trưởng thành lại cao rất khó phun thuốc điều trị. Thay vào đó bà con có thể dùng phương pháp chích thuốc bằng ống tiêm sẽ đưa ra hiệu quả điều trị tốt hơn, cây nhanh hồi phục và nhanh khỏi bệnh.
- Ngoài ra, bà con nên giúp cho đất vườn trở nên tơi xốp cũng như bổ sung thêm dinh dưỡng giúp cây khỏe mạnh và khả năng chống chịu bệnh tốt hơn bằng cách bón phân cho cây sầu riêng đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh. Lượng phân vi sinh có thể sử dụng là 100kg phân hữu cơ/cây/năm.
III. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH CHÁY LÁ, CHẾT ĐỌT
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra, không những gây hại cây sầu riêng con trong vườn ươm và cây mới trồng những năm đầu mà còn gây hại trên cả cây lớn, bệnh thường xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa, xuất hiện ở một nơi sau đó lan rộng dần ra xung quanh.
- Trong điều kiện độ ẩm cao, thiếu ánh nắng, sợi nấm lây lan trực tiếp hoặc do hạch nấm di chuyển nhờ dòng nước hoặc do bà con dùng rơm rạ, cây cỏ khô phủ đất nhưng có chứa mầm bệnh.
Biểu hiện của bệnh
- Cây sầu riêng nhỏ: Vào thời gian những ngày mưa nắng xen kẽ, lá sầu riêng trong vườn ươm bị cháy từ gốc lên và dính lại với nhau, những cây bị bệnh nặng thường sẽ rụng hết lá khiến cành cây trở nên trơ trụi.
- Cây trưởng thành: Bệnh lan dần từ lá già bên dưới lên trên làm các lá như bị phỏng nước sôi, sau đó có màu vàng nâu, cuối cùng chuyển sang màu trắng xám.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh cháy lá, chết đọt
- Các lá thường dính lại với nhau, khi gỡ ra thấy có tơ màu vàng nâu kết dính các lá lại với nhau thành chùm như tổ kiến, đôi khi có những hạch tròn màu nâu nhạt, khi bệnh nặng lá sẽ rụng.
- Nếu gặp mưa dầm, độ ẩm không khí cao thì vết bệnh có màu đen và nhũn ra. Bệnh thường phát sinh ở những cành nhiều lá, ban đầu chỉ là những vết bệnh nhỏ, càng về sau bệnh sẽ làm cho cành và nhánh cây bị nhỏ lại.
Tác hại của bệnh: Bệnh làm khô chết lá, chết ngọn, trường hợp nghiêm trọng cả tán cây bị trụi lá, cây bị mất diệp lục và sẽ không thể quang hợp được, các đọt non của cây bị thối đen khiến cây không thể sinh trưởng tiếp, ảnh hưởng đến ra hoa kết quả.
2. Biện pháp khắc phục
- Ngăn chặn lây lan nguồn bệnh từ bên ngoài vào trong vườn trồng (từ rơm rạ, cỏ khô, nguồn nước chảy…)
- Thu dọn các lá rụng ở vườn mang đi tiêu hủy, dọn sạch cỏ dại thường xuyên để vườn cây luôn thoáng mát.
- Phun thuốc khi thấy cây vừa chớm bệnh bằng các loại thuốc chứa gốc đồng hoặc chất chống nấm như Mancozeb, Metalaxyl,... phun theo khuyến cáo.
- Mật độ cây trong vườn ươm vừa phải, cũng không được tưới quá nhiều nước.
- Những dấu hiệu ban đầu của bệnh khá mờ nhạt nên bà con dễ nhầm lẫn với chứng thiếu dinh dưỡng hoặc một số vết chích do côn trùng để lại, đến khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng, khó chữa trị dứt điểm và khá là tốn kém vì vậy bà con nên lưu tâm thăm vườn và quan sát thường xuyên đặc biệt là trong giai đoạn ra hoa kết trái. Ngoài ra để cây đủ sức chống lại mầm bệnh, bà con nên cung cấp cho cây đủ lượng chất dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh.
IV. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH NẤM HỒNG
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện và tác hại của bệnh
Nấm thường tạo một lớp tơ lúc đầu có màu trắng đục, sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây. Nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá, cuối cùng làm cành chết khô. Nấm bệnh thường xuất hiện trên các cành nhỏ mọc ngang ở nơi phân cành.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh nấm hồng
Khi bệnh mới xâm nhập, đầu tiên những sợi nấm màu trắng phát triển trên vỏ cây, sau đó hình thành lớp nấm dạng phấn hồng bao phủ bên ngoài vỏ cây.
Bên dưới lớp phấn phủ này mô vỏ của cây bị thâm và thối làm cho cây không thể vận chuyển nước và chất dinh dưỡng, dần dần sẽ khiến cành khô và chết.
Bệnh khi đã xâm nhập vào cây nếu gặp điều kiện thích hợp sẽ dễ dàng lây lang qua bào tử bay trong không khí do mưa gió.
2. Biện pháp khắc phục
- Để chống mầm bệnh phát triển, bà con nên trồng cây với mật độ thưa, tỉa cành định kỳ để vườn được thông thoáng.
- Những cành bệnh nặng và chết do bệnh nên nhanh chóng cắt bỏ và tiêu hủy tránh việc lây lan. Nơi vết cắt cần được quét vôi thuốc để tránh việc mầm bệnh xâm nhập.
- Phun ngừa các loại thuốc chứa Mancozeb, Gốc Đồng, Metalaxyl hoặc bà con có thể quét thuốc lên vết bệnh khi bệnh mới xuất hiện và ở các vị trí bệnh có thể xuất hiện.
- Ngoài ra bà con nên kết hợp với việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây thông qua việc bón phân đế cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, đủ khả năng để chống lại mầm bệnh, một trong những loại phần bà con có thể sử dụng đó là phân hữu cơ vi sinh.
V. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH NẤM TRÁI
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện và tác hại của bệnh:
- Bệnh này do nấm Phytophthora palmivora gây ra, bệnh hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của quả nhất là vào mùa mưa, vào những ngày trời lạnh, có ẩm độ cao thể hiện nhiều sợi nấm màu trắng bao phủ vết bệnh như mạng nhện. Bệnh nặng thì thối cả quả và lây lang sang các quả khác.
- Khi quả bị bệnh tấn công sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh xâm nhập vào trái thông qua những vết đục.
- Bệnh nấm trái không chỉ tấn công trên trái mà còn tấn công lên thân cây làm cho cây đổi màu khi nhiễm bệnh nặng vết bệnh dần chuyển sang màu nâu đỏ, vỏ thân nứt ra chảy nhựa vàng, ảnh hưởng mạch dẫn của cây làm lá cây vàng úa rồi rụng dần.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh nấm trái
- Bệnh thường xuất hiện từ phần đít trái, ban đầu chỉ là một chấm nhỏ sau đó nhanh chóng lan rộng và ăn sâu vào cuống và thịt trái, khiến trái bị hỏng và có mùi hôi thối.
2. Biện pháp khắc phục
- Vệ sinh vườn, tạo điều kiện thông thoáng cho vườn cây, tỉa cành theo định kỳ, thu gom lá mục và rác.
- Khi tỉa trái đợt cuối, bà con nên tiến hành bao trái lại nhằm hạn chế sự tấn công của sâu bệnh. Nếu phát hiện vườn cây bị bệnh, cần nhanh chóng loại bỏ những trái hư hỏng ra khỏi vườn, tiêu hủy an toàn để tránh mầm bệnh lây lan.
- Khi cây bị bệnh có thể phun đều lên tán các loại thuốc chứa Gốc Đồng, Metalaxyl… khoảng 20 ngày/lần.
- Ngoài ra bà con nên bón phân để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây, để cây có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đủ khả năng chống lại mầm bệnh.
VI. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH ĐỐM LÁ
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Bệnh đốm lá do nấm Phomopsis durionis gây ra, cây sầu riêng có biểu hiện đốm giữa lá to bằng hạt đỗ màu vàng, cây chậm phát triển, khi bị tấn công lá của cây có xu hướng rụng sớm, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp cuả cây, bệnh thường nghiêm trọng hơn khi cây sầu riêng còn nhỏ.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh đốm lá
Dấu hiệu đầu tiên khi nấm bệnh tấn công là những đốm nhỏ có màu vàng hơn màu nâu như bị hoại tử, lâu dần sẽ tăng kích thước và khiến lá cây bị rụng.
2. Biện pháp khắc phục
- Theo dõi cây để phát hiện sâu bệnh gây hại, nếu phát hiện lá bị bệnh tấn công thì nhanh chóng ngắt bỏ đi, tiêu hủy an toàn để tránh tình trạng lây lan trong vườn.
- Khi cây xuất hiện bệnh bà con nên dùng thuốc Difenoconazole hoặc Mancozeb + Meta Laxyl phun trên lá 2 lần cách nhau 7-10 ngày để trị bệnh cho cây.
- Bón phân đầy đủ, cân đối cho cây, không bón nhiều phân đạm kết hợp bổ sung phân hữu cơ vi sinh cho cây để cây đủ dinh dưỡng phát triển và khả năng kháng bệnh tốt hơn.
VII. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH VÀNG LÁ
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Bệnh vàng lá do nấm Phythophthora và Fusarium gây ra, khi bệnh tấn công lá bắt đầu ngả vàng sau đó rụng dần, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, khiến cây khó sinh trưởng và phát triển tốt.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh vàng lá
Ban đầu bệnh sẽ tấn công vào rễ cây, các rễ non bị thối có màu nâu đen, rễ chết dần khiến cho cây chậm phát triển, sau đó dần lây lan tới phần thân cây phía trên khiến chảy nhựa thân, còn lá cây sẽ dần ngả vàng, sau đó rụng dần, thậm chí cây có thể chết nếu bệnh đã quá nặng.
2. Biện pháp khắc phục
- Nếu pH đất trồng quá thấp cần bón vôi bột cho cây để nâng pH cho cây trồng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, tiến hành tỉa cành tạo tán để vườn cây trở nên thông thoáng, tránh mầm bệnh xâm nhập tấn công cây trồng.
- Thoát nước tốt cho vườn trồng, không để vườn bị ngập úng chống nước chảy tràn trên vườn trồng.
- Khi vườn phát bệnh, bà con nên nhanh chóng dùng thuốc chứa hoạt chất Cymoxanil + Mancozeb + Metalaxyl để tưới vùng gốc rễ cho cây và phun lên tán cây theo nồng độ khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc, khoảng 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày.
- Hằng năm trước khi bước vào mùa mưa, bà con nên bón phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh với nấm đối kháng Trichoderma bón cho cây nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào vườn, tấn công rễ cây.
VIII. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH THỐI HOA
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Bệnh thối hoa xảy ra khi hoa có dấu hiệu đổi màu từ xanh sang nâu đen. Những vết bệnh thường lõm xuống so với các hoa bình thường.
Bệnh do nấm Fusarium sp. gây ra. Chúng tấn công ở lớp vỏ bao quanh hoa. Từ 3 – 5 ngày, vết bệnh lan dần và mở rộng xuống cánh hoa. Làm hoa sầu riêng rụng và thối. Dẫn đến tỉ lệ đậu quả rất thấp.
2. Biện pháp khắc phục
- Theo dõi và quan sát bệnh hại, nhất là đầu mùa mưa, cuối mùa nắng.
- Thường xuyên cắt tỉa cành, loại bỏ những hoa không chất lượng. Tạo không gian thông thoáng cho vườn cây.
- Khi phát hiện bệnh thối hoa trên cây sầu riêng. Nhà vườn cần lập tức cắt tỉa, tiêu hủy hoa đã nhiễm bệnh nhanh chóng. Tránh tình trạng lây lan sang những cây trồng khác.
- Khi mật độ bệnh cao, nên sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất trị nấm Fusarium sp. gây ra như Metalaxyl, Mancozeb,…
IX. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH ĐỐM RONG
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Tác nhân chủ yếu của bệnh đốm rong là do tảo Cephaleuros virescenns gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các bộ phận trên lá, cành và thân.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh đốm rong
Trên lá xuất hiện những đốm tròn nhỏ khoảng 3-5mm, nhô trên bề mặt lá. Chúng có màu xanh xám, màu đỏ hoặc màu xám nâu. Đối với thân, cành thì bệnh đốm rong thường tấn công ở thân chính và cành già. Khi quan sát, chúng ta sẽ nhìn thấy những vết bệnh có hình tròn hoặc bầu dục màu xanh. Sau một khoảng thời gian, vết bệnh chuyển thành màu đỏ nâu. Nếu mật độ cao thì bệnh đốm rong sẽ lây lan sang các nhánh và quả.
2. Biện pháp khắc phục
- Theo dõi và quan sát bệnh hại, nhất là lúc mưa nhiều, độ ẩm cao.
- Thường xuyên cắt tỉa cành, loại bỏ những lá, thân, cành không chất lượng. Tạo không gian thông thoáng cho vườn cây.
- Bón phân đầy đủ, cân bằng phân đa lượng, trung lượng, vi lượng.
- Phun thuốc định kỳ để giúp lá dày, xanh bóng, chắc khỏe.
- Sử dụng siêu đồng để tẩy rửa mảng bám rong rêu và diệt nấm khuẩn trên cành lá sau một vụ mùa thu hoạch.
- Tiến hành bón phân hữu cơ để cải thiện đất, giúp đất tơi xốp, đa dạng vi sinh vật có lợi trong đất.
- Khi mật độ bệnh cao, nên sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất trị tảo để trị bệnh.
X. BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÂY SẦU RIÊNG: BỆNH THỐI RỄ
1. Biểu hiện, dấu hiệu nhận biết
Bệnh do nấm mang tên Pythium Complectens, Fusarium, Phytophthora có sẵn trong đất, nấm tấn công toàn bộ rễ của cây sầu riêng con khiến rễ không thể hút chất dinh dưỡng, dẫn đến việc cành bị héo úa lá chuyển vàng và rụng, sau đó cây kiệt sức dần mà chết.
Bệnh thường gặp ở cây sầu riêng: bệnh thối rễ
Đất trồng thiếu phân hữu cơ, bón phân hóa học thời gian dài làm đất bị chua, đất dẽ chặt, ít vi sinh vật có lợi, pH thấp < 5 là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
2. Biện pháp khắc phục
Do bệnh thường tấn công từ rễ của cây nên bà con rất khó phát hiện, đến khi nhận thấy biểu hiện của bệnh trên cây thì tình trạng của sầu riêng con đã trở nên trầm trọng, khó có thể hồi phục. Vì thế để phòng tránh bệnh từ đầu cũng như hạn chế việc lây lan, bà con nên chú ý những vấn đề sau đây:
- Trước khi trồng phải cày xới đất vườn thật kỹ rồi phơi ngoài nắng nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng để tiêu diệt mầm bệnh có sẵn trong đất.
- Đối với những cây sầu riêng con đã bị bệnh nặng và chết nên nhanh chóng nhổ bỏ hết gốc rễ đem tiêu hủy ngoài khu vực vườn trồng.
- Thoát nước tốt cho vườn trồng, không để vườn bị ngập úng chống nước chảy tràn trên vườn trồng.
- Bón bổ sung phân chuồng ủ hoai, bón vôi hằng năm để giúp đất tơi xốp, tăng pH của đất (pH từ 5-6 là tốt nhất), hạn chế các loại nấm bệnh trong đất bằng cách kết hợp nấm đối kháng Trichoderma,... vào các đợt bón phân trong năm giúp tốt đất, tốt cây.
- Ngoài ra việc bón phân cho cây con đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp tăng cường lượng vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây sầu riêng con đủ dinh dưỡng phát triển và chống chịu mầm bệnh tốt hơn.
Để chăm sóc tốt cho cây sầu riêng, ngoài những biện pháp phòng trừ cụ thể đối với các bệnh thường gặp, bà con nên chú ý đến những giải pháp chung sau đây:
- Mật độ cây sầu riêng từ khi lập vườn phải phù hợp, khoảng cách là từ 8-12m/cây và 120 cây/ha để cây sầu riêng có môi trường sinh trưởng tốt nhất. Ngoài ra, để tránh lãng phí diện tích đất trồng khi cây sầu riêng còn nhỏ bà con có thể trồng xen với những loại cây trồng khác như cây họ đâu hoặc rau màu.
- Bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn trồng và vệ sinh thông thoáng, đảm bảo không cho mầm bệnh có nơi ẩn náo.
- Đảm bảo lượng nước tưới hợp lý cho cây sầu riêng con và không để tình trạng ngập úng vườn diễn ra, sẽ khiến mầm bệnh dễ tích tụ và lây lan.
Trên đây là những thông tin cơ bản về các bệnh thường gặp ở sầu riêng từ giai đoạn cây con đến trưởng thành và cách phòng ngừa, chữa trị hiệu quả. Qua bài viết này, Nông dược Bích Trâm mong rằng bà con có thể nhận biết được những loại bệnh trên, hiểu và áp dụng một cách hiệu quả nhất có thể để cây luôn phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao nhé. Chúc bà con thành công!
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất