-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
4 BƯỚC CẦN NHỚ PHỤC HỒI SẦU RIÊNG SAU KHI THU HOẠCH
Wednesday,
26/07/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch là việc cực kỳ quan trọng để đảm bảo cây sầu riêng có thể phục hồi, phát triển khỏe mạnh và tiếp tục mang lại năng suất tốt trong vụ mùa tiếp theo. Vì vậy, sau mỗi mùa thu hoạch, cây sầu riêng cần chăm sóc đặc biệt để phục hồi. Vậy làm thế nào để phục hồi vườn sầu riêng sau mỗi vụ thu hoạch, hãy cùng Nông dược Bích Trâm tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này nhé!
I. TẠI SAO PHẢI PHỤC HỒI SẦU RIÊNG SAU KHI THU HOẠCH
Cùng tìm hiểu những nguyên nhân khiến sầu riêng dễ bị suy kiệt sau khi thu hoạch:
Tại sao phải phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
- Xử lý ra hoa nghịch vụ: hiện nay kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa sớm trong mùa nghịch bằng cách phun hóa chất đã trở nên phổ biến và là biện pháp tương đối có hiệu quả. Tuy nhiên, do sản xuất sầu riêng sớm trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nên người dân đã quá lạm dụng việc kích thích cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ mà quên đi hậu quả là có thể làm cây bị suy kiệt, thậm chí đưa đến chết cây. Ngoài ra, việc kích thích cây sầu riêng ra hoa khi cây còn nhỏ, không đủ tán lá cần thiết để nuôi trái hoặc phun hóa chất xử lý nhiều lần ở nồng độ cao hơn hướng dẫn cũng mang lại hậu quả trên.
- Xiết nước giai đoạn xử lý ra hoa: nhiều nhà vườn áp dụng biện pháp xiết nước kết hợp với đậy mặt líp bằng nilon để tạo điều kiện khô hạn kích thích cho cây ra hoa. Tuy nhiên, khi gặp thời tiết không thuận lợi, có mưa nhiều làm độ ẩm đất trong vườn cao, cây không ra hoa được nên nông dân tiếp tục xiết nước trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Ngoài ra, tưới nước cho vườn sầu riêng bằng máy nhưng không dùng búp sen mà phun trực tiếp lên mặt líp làm cho mặt đất bị "lèn".
- Lạm dụng hóa chất: trong quá trình phát triển trái, nhà vườn thường sử dụng hóa chất để ức chế không cho sầu riêng ra đọt non nhằm tránh hiện tượng rụng trái non và trái bị sượng. Dẫu biết rằng đây là biện pháp cần thiết để tăng năng suất và phẩm chất trái sầu riêng, tuy nhiên cây sầu riêng dự trữ chất dinh dưỡng chủ yếu trong lá nên sự rụng nhiều lá (do phun thuốc ức chế sinh trưởng) làm giảm khả năng sinh trưởng của cây.
- Nuôi lượng hoa, trái quá nhiều: do đặc tính sầu riêng ra hoa nhiều và đậu trái cũng rất nhiều, việc để quá nhiều trái trên cây cũng dễ gây ra hiện tượng khô cành, làm cây bị mất sức, ảnh hưởng đến khả năng cho trái năm sau.
- Do ảnh hưởng của hạn mặn: khiến bộ rễ sầu riêng bị ảnh hưởng, cây hấp thu dinh dưỡng kém đưa đến cây dễ bị suy kiệt sau thời gian mang trái.
II. 4 BƯỚC PHỤC HỒI SẦU RIÊNG SAU KHI THU HOẠCH
1. Bón phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho cây sầu riêng sau thu hoạch
Sầu riêng sau khi thu hoạch sẽ cần được cung cấp dinh dưỡng để phục hồi, để phục hồi sầu riêng sau thu hoạch nhanh chóng, đảm bảo năng suất cho vụ mùa tiếp theo bà con nên sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh. Phân hữu cơ ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đa, trung vi lượng còn bổ sung lượng vi sinh cần thiết giúp cải tạo đất.
Bón phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng - Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
Thu hoạch sầu riêng không phải chỉ thu 1 lần là xong, mà thường chia ra làm nhiều lần cắt trái dẫn đến cây bị thất thoát, mất dinh dưỡng đi rất nhiều, chưa kể mỗi lần cắt sẽ tạo vết thương làm cho cây bị sốc. Việc bón phân hữu cơ lại sớm sẽ giúp hồi phục cây, duy trì độ xanh tốt và sức khỏe cho cây.
- Thời điểm bón: 7-10 ngày trước khi thu hoạch lần cuối cùng (cắt dao cuối hoặc thu vét vườn).
- Các loại phân hữu cơ có thể bón: phân chuồng, phân hữu cơ công nghiệp. Khi bón có thể trộn phân hữu cơ chung với Humic để tăng hiệu quả.
- Cách bón: Do cây vẫn còn đang nuôi trái, nên cần tránh tác động đến rễ, khi bón chỉ rãi phân trên bề mặt, rãi đều vào khu vực 1/3 – 2/3 tán cây.
Lưu ý: Khi bón phân phục hồi sầu riêng sau thu hoạch hoặc bón định kỳ, bà con nên bón theo tán cây và nên tạo rãnh để bón. Vừa giúp cây hấp thu hiệu quả mà lại hạn chế việc thất thoát phân.
2. Xới mô, kích rễ, phục hồi bộ rễ cho cây sầu riêng sau thu hoạch
Rễ là cơ quan chịu trách nhiệm hấp thu nước và dinh dưỡng để nuôi dưỡng cây. Sau thời gian hoạt động hết công suất để nuôi cây nuôi quả bộ rễ bị già đi và chịu nhiều thương tổn do nhiều yếu tố tác động. Do đó nhà vườn cần chăm sóc lại bộ rễ, rễ có khỏe thì cây mới khỏe.
Xới mô, kích rễ, phục hồi bộ rễ - Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
- Thời điểm thực hiện: Ngay sau khi thu hoạch xong toàn vườn.
- Cách thực hiện: dùng cuốc hoặc chỉa 3 răng xới xáo đất, phạm vi: 1/2 – 2/3 tán cây trở ra ngoài (tính từ gốc ra), tán đến đâu thì xới đến đó. Độ sâu: khoảng 5 cm – 10 cm lớp đất bề mặt.
- Mục đích: Làm cho đất được tơi xốp và thông thoáng, bỏ rễ cũ tái tạo rễ mới, giúp cây hấp thụ phân bón tốt hơn.
3. Xử lý nấm bệnh cho cây sầu riêng sau thu hoạch
Xử lý nấm bệnh là việc làm mà các nhà vườn tuyệt đối không được bỏ qua trong quy trình chăm sóc cây sau thu. Bởi giai đoạn này sức đề kháng của cây trồng rất kém, dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, những vết thương do quá trình thu hoạch trái cũng mở đường cho nấm khuẩn tấn công cây sầu riêng.
Xử lý nấm bệnh - Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
- Thời điểm xử lý: sau khi xới mô xong, tiến hành xịt thuốc bệnh trên lá và tưới thuốc bệnh dưới gốc liền cho cây, ưu tiên thực hiện sớm:
+ Thứ nhất: Trong thời gian cây mang trái thì sức đề kháng cây kém, dễ bị nấm bệnh, rong rêu tấn công.
+ Thứ 2: Trong quá trình di chuyển leo lên cây để cắt trái đã vô tình mang mầm bệnh từ dưới đất lên cây hoặc từ cây này qua cây khác, việc cắt trái cũng đã tạo vết thương ở cuống.
+ Thứ 3: Việc xơi xáo mô đã gây ra những tổn thương dưới rễ => nếu để lâu sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh mới tấn công , nấm bệnh cũ sẽ lây lan ra nhiều hơn, tốn công xử lý
- Các loại thuốc dùng xử lý: thuốc trừ nấm bệnh gốc đồng, Mantaxyl, Mancozeb…
- Cách xử lý: Phun thuốc ướt đều toàn cây, ướt đẫm lá, thân, cành, đặc biệt phun kỹ vào các ngách thân, mặt dưới của cành; đồng thời tưới thuốc bệnh dưới gốc. Nếu tình trạng cây khỏe, ít bệnh thì xịt ngừa 1 lần là được, nếu cây bị rong rêu , nấm bệnh nặng thì 7 ngày sau xịt lại lần 2.
Lưu ý: Nếu rửa vườn không kỹ, nấm bệnh có thể ẩn nấp và là nguồn bệnh tấn công lên bông – trái sau này.
4. Dọn tỉa cành, tiến hành làm cơi đọt 1 cho cây sầu riêng sau thu hoạch
Biện pháp tỉa cành sau thu hoạch không chỉ giúp vườn trở nên thông thoáng, hạn chế mầm bệnh hại cây mà còn giúp cây tiết kiệm được lượng dinh dưỡng. Cây sầu riêng dễ dàng phục hồi và ổn định, đảm bảo năng suất cho mùa vụ mới.
Sau khi quản lý nấm bệnh xong, bà con có thể bắt tay vào việc dọn tỉa cành từ từ.
Dọn tỉa cành - Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
- Quy cách tỉa:
+ Cành cần cắt tỉa: Cành khô, sâu bệnh, cành tăm ốm yếu, cành thấp gần mặt đất (khoảng 80 cm tính từ gốc lên).
+ Loại bỏ những cành đã già yếu, những cành bị sâu bệnh cũng như cắt tỉa những cành vượt che khuất ánh sáng cho cây.
+ Loại bỏ những cành mọc đứng hoặc mọc ngược vào bên trong tán, những cành nằm cách mặt đất thấp hơn 1m vì những cành này thường dễ bị sâu bệnh tấn công.
+ Dọn vệ sinh xung quanh vườn để hạn chế các mầm bệnh.
+ Khi đã cắt tỉa cành xong, bà con dùng vôi bột pha nước quét xung quanh thân chính cây sầu riêng từ mặt đất lên khoảng 1m để phòng trừ sâu bệnh hại cây.
+ Cành giữ lại: Cành bơi, chùm ổ quạ.
Mục đích: Dùng để cung cấp dinh dưỡng nuôi những cành cho quả. Đối với cây suy thì tuyệt đối không cắt cành chùm ổ quạ, cây khỏe thì có thể cắt cành ổ quạ, chừa lại cành bơi. Tiến hành tỉa bỏ cành bơi khi lá đã già thành thục.
Tiến hành làm cơi đọt 1 cho cây sầu riêng sau thu hoạch:
Làm cơi đọt 1 - Phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch
- Sau khi tưới thuốc bệnh 3-5 ngày, tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng các dòng phân NPK có hàm lượng lân cao như: DAP, 20-30-0,… để kích rễ ra mạnh.
- Khi ra cơi đọt non (xuất hiện mũi giáo) : Phun thuốc trừ rầy + Vi Lượng + Amino+ Phân Bón Lá bổ sung. Phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.
- Sau đó tiếp tục theo chu trình chăm dưỡng bình thường của cây.
- Các bước trên, mỗi bước đều nên thực hiện càng nhanh càng tốt, nhanh nhất có thể để giúp cây phục hồi sớm, cây được chuẩn bị tốt hơn giúp mùa vụ sau đạt hiệu quả hơn.
Trên đây là 4 bước cần nhớ để phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch. Giai đoạn sau thu hoạch là giai đoạn quyết định đến sức khỏe, năng suất và chất lượng của cây sầu riêng cho mùa vụ tiếp theo. Do đó nhà vườn cần chăm sóc cây kỹ lưỡng, đúng cách để cây sầu riêng có năng lượng tốt nhất trước khi bước vào một vụ mùa mới. Chúc bà con thành công!
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất