CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ RỤNG TRÁI NON Ở CÂY CÀ PHÊ HIỆU QUẢ

CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ RỤNG TRÁI NON Ở CÂY CÀ PHÊ HIỆU QUẢ
Monday,
26/06/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Hiện tượng rụng trái non ở cây cà phê có thể gây thiệt hại rất lớn đến năng suất và chất lượng của cây khi mùa thu hái sắp đến. Năng suất của vườn cà phê có thể bị giảm đến 40 - 50% nếu bà con không có những biện pháp xử lý kịp thời. Chúng ta sẽ tìm hiểu về các biện pháp hạn chế rụng trái non ở cây cà phê hiệu quả trong bài viết này nhé!

I. TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN NHẰM HẠN CHẾ RỤNG TRÁI NON Ở CÂY CÀ PHÊ

1. Rụng trái non sinh lý

Đây là hiện tượng tự nhiên của cây cà phê, thông thường tỷ lệ đậu quả càng cao, số trái/chùm nhiều (40 – 50 trái) thì tỷ lệ rụng trái có xu hướng càng cao. Các giống cà phê khác nhau tỷ lệ rụng trái sinh lý cũng khác nhau. Thể trạng cây yếu thì tỷ lệ rụng trái nhiều hơn.

2. Rụng do điều kiện thời tiết

Các yếu tố thời tiết không thuận lợi như lạnh, nhiệt độ thấp, gió mạnh, mưa lớn, và hạn hán có thể gây rụng trái non ở cây cà phê. Mưa dầm dài ngày, trời âm u, độ ẩm trong đất cao làm hệ thống rễ thiếu oxy để hô hấp, hấp thu dinh dưỡng cây cà phê không cung cấp kịp thời để nuôi quả cùng với quá trình quang hợp của cây bị hạn chế do thiếu ánh sáng đã làm cho quá trình sinh lý, sinh hóa trong cây bị ảnh hưởng nên xảy ra tình trạng rụng trái non trên cây cà phê.

Han-che-rung-trai-non-o-cay-ca-phe-do-dieu-kien-thoi-tietHạn chế rụng trái non ở cây cà phê do điều kiện thời tiết

Nắng hạn kéo dài, độ ẩm đất bị suy giảm dẫn đến tình trạng hệ thống rễ cây không thể hấp thu được dinh dưỡng (do thiếu nước cục bộ) cũng làm cho cây cà phê bị rụng trái non.

3. Rụng do bệnh và sâu bệnh

Trong mùa mưa, nấm mốc, bệnh rễ, vi khuẩn, sâu đục trái, sâu đục hạt cà phê và côn trùng gây hại khác cũng có thể gây rụng trái non. Những loại bệnh và sâu bệnh này tấn công trái non và làm suy yếu cây cà phê, làm cho trái non bị rụng trước khi chín.

4. Rụng do mất cân bằng dinh dưỡng

Khi cây cà phê thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như nitơ, kali, photpho và vi lượng, nó có thể dẫn đến rụng trái non. Việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây cà phê là quan trọng để đảm bảo sự phát triển và duy trì của trái non.

Quản lý dinh dưỡng trên vườn cà phê chưa phù hợp, thiếu khoa học,  trong đó đáng chú ý là việc bón phân cho cây cà phê mất cân đối giữa các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng; kỹ thuật bón phân chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng tăng tỷ lệ rụng trái non do lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây bị thiếu và mất cân đối. Việc cung cấp một lượng dinh dưỡng không cân đối, đầy đủ cũng làm ảnh hưởng đến khả năng phát sinh hệ cành dự trữ cho vụ sau, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và năng suất cà phê năm tiếp theo.

5. Rung do cắt tỉa cành, tỉa chồi vượt chưa đúng cách

Việc cắt tỉa cành, tỉa chồi vượt chưa đúng cách, không kịp thời cũng góp phần làm tăng tỷ lệ rụng trái non trên cây cà phê. Việc không quan tâm đến tỉa cành, tỉa chồi vượt kịp thời, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, 8 sẽ làm cho cây cà phê um tùm cành lá, là nơi trú ngụ của các loại sâu gây hại, là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển tấn công.

Cây cà phê có quá nhiều cành thứ cấp, chồi vượt sẽ cạnh tranh dưỡng chất với trái cà phê, từ đó làm cho trái cà phê không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng, vì vậy việc rụng trái là vấn đề đương nhiên xảy ra nhằm điều chỉnh số lượng trái/chùm tương ứng với lượng dinh dưỡng mà cây có thể cung cấp.

II. BIỆN PHÁP HẠN CHẾ RỤNG TRÁI NON Ở CÂY CÀ PHÊ

1. Quản lý đất và nước

Đảm bảo cây cà phê được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để phát triển mạnh mẽ. Điều này có thể bao gồm tưới nước đều đặn và đảm bảo đất có đủ chất cần thiết như nitơ, kali, phospho và các chất vi lượng.

2. Quản lý cân bằng dinh dưỡng

Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây cà phê bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ hoặc hóa học phù hợp. Cân bằng cung cấp dinh dưỡng sẽ giúp cây cà phê phát triển cân đối và giảm nguy cơ rụng trái non.

Quản lý cân bằng dinh dưỡng hạn chế rụng trái non ở cây cà phê

 Bón phân cân đối, hợp lý nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng theo từng giai đoạn và mức năng suất của vườn cà phê là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế tỷ lệ rụng trái non trên cây cà phê.

Sử dụng phân bón vô cơ kết hợp với phân hữu cơ là giải pháp quản lý dinh dưỡng phù hợp trong bối cảnh hiện nay, không những góp phần cải thiện độ phì nhiêu đất, hạn chế thất thoát dinh dưỡng, tăng hệ số sử dụng phân bón, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu khí phát thải nhà kính mà còn giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe, năng suất cao và ổn định.

Cần lưu ý phải thực hiện bón phân theo nguyên tắc "4 đúng, 1 không" (đúng loại phân, đúng lượng, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; không bón đón mưa) để đảm bảo cho cây cà phê hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất, hạn chế được sự thất thoát, tăng hiệu quả sử dụng, đây là cơ sở khoa học của việc tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón.

3. Quản lý sâu bệnh

Sâu bệnh có thể là nguyên nhân gây rụng trái non ở cây cà phê. Thực hiện kiểm tra định kỳ và kiểm soát sâu bệnh bằng các biện pháp phòng trừ như sử dụng thuốc trừ sâu, kiểm soát sinh học hoặc kỹ thuật cơ bản như cắt tỉa cành, loại bỏ trái bị nhiễm bệnh.

4. Quản lý cắt tỉa

Giữa mùa mưa, cần tiến hành cắt tỉa cành, tỉa chồi vượt kịp thời để bộ tán cây cà phê thông thoáng, hạn chế sự sinh sôi, phát triển của các đối tượng sâu bệnh hại, giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng để nuôi trái, giảm tỷ lệ rụng trái non, giúp hệ cành dự trữ sinh trưởng khỏe, đảm bảo năng suất cao, ổn định vào các năm sau.

Cắt tỉa cây cà phê để tạo ra kiến trúc cây đúng và đảm bảo ánh sáng và thông gió tốt cho cây. Điều này giúp giảm áp lực trên cành và làm giảm nguy cơ rụng trái non.

5. Kiểm soát môi trường

Đối với những khu vực có thời tiết bất ổn, như gió mạnh hoặc mưa lớn, cần xem xét lắp đặt các biện pháp bảo vệ như hàng rào che gió, mạng che mưa hoặc các cấu trúc bảo vệ khác để giảm nguy cơ rụng trái non.

6. Kiểm tra vườn thường xuyên

Cần tăng cường tần suất thăm vườn, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường và giúp cây cà phê giảm được hiện tượng rụng trái non. Nên lưu ý ưu tiên sử dụng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo nguyên tắc "4 đúng".

Kiem-tra-vuon-thuong-xuyen-han-che-rung-trai-non-o-cay-ca-pheKiểm tra vườn thường xuyên, hạn chế rụng trái non ở cây cà phê 

Hy vọng với những thông tin hữu ích mà chúng tôi đã chia sẻ. Bà con sẽ dễ dàng áp dụng để hạn chế tình trạng rụng trái non ở cây cà phê, giúp cây cà phê đạt năng suất tốt hơn. Mong rằng, bà con sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc để cây cà phê vườn nhà luôn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cải thiện năng suất cây trồng. Chúc bà con vụ mùa bội thu!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: