CÁCH TRỒNG CÂY BƠ TỪ A ĐẾN Z ĐÚNG KỸ THUẬT

CÁCH TRỒNG CÂY BƠ TỪ A ĐẾN Z ĐÚNG KỸ THUẬT
Thursday,
23/03/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Cây bơ là loại cây dễ trồng hơn so với các loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, để có thể đạt được hiệu quả cao nhất thì cần phải áp dụng kỹ thuật trồng cây bơ đúng cách. Việc này đòi hỏi người trồng phải có kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng cây bơ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu về các kỹ thuật trồng cây bơ từ a đến z, đúng cách, đúng kỹ thuật, giúp người trồng có thể trồng và chăm sóc cây bơ một cách hiệu quả nhất.

I. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ CÂY BƠ

Cây bơ có nguồn gốc ở Mexico, được người Pháp trồng nhiều ở nước ta vào những năm 1940, hiện nay bơ được trồng ở nhiều tỉnh thành. Cây bơ thuộc loại cây thân gỗ,sống lâu năm, có chiều cao khoảng 5-20m. Lá bơ xanh quanh năm, chỉ có vài giống rụng lá một phần hoặc rụng hết khi cây trổ hoa, tuy nhiên chồi non lại phát triển ngay. Lá bơ màu đồng hoặc đỏ khi còn non, trưởng thành chuyển màu xanh láng. Hoa bơ có lông mịn, màu xanh vàng hoặc xanh nhạt, tạo thành chùm trên đoạn cuối cánh quả. Quả bơ có nhiều hình dáng từ trứng, tròn,thuôn dài…trọng lượng quả cũng thay đổi từ 60-1500g. Tuy nhiên giống quả quá to hoặc quá bé đều ít được ưa chuộng. Màu sắc quả biến đổi từ xanh sáng sang xanh nhạt, xanh vàng rồi đến tím, tím đậm khi quả chín.

Tong-quan-ve-cay-boTổng quan về cây bơ

So với các loại cây ăn quả khác, cây bơ có kỹ thuật trồng khá dễ, khả năng thích nghi rộng, chống chịu khá với các bất lợi của môi trường như hạn hán, gió, đất nghèo dinh dưỡng. Ngoài đem lại giá trị về dinh dưỡng, cây bơ còn là một loại trái cây khá an toàn, do có vỏ dày nên hạn chế được các loài sâu hay côn trùng chích hút, thuốc bảo vệ thực vật rất ít được dùng cho cây bơ.

II. YÊU CẦU VỀ ĐẤT ĐAI VÀ KHÍ HẬU ĐỂ TRỒNG CÂY BƠ

1. Về đất đai:

Cây bơ thích nghi với nhiều loại đất trồng khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là loại đất đỏ bazan. Nơi trồng bơ phải là nơi có thể thoát nước vì vậy nó thích hợp với những vùng đất Tây Nguyên và những vùng Tây Nam Bộ thì rất khó mà có thể phát triển được. Cây bơ thích hợp với đất thoát nước tốt, ít ngập úng, giàu dinh dưỡng, tầng canh tác sâu từ 1-2m, bên dưới không có đá bàn hoặc tích tụ đất sét, pH của đất từ 5-7. Độ cao trung bình cách mặt nước biển từ 500 – 1000m.

2. Về khí hậu:

Yêu cầu phải có sự phân chia rõ rệt 2 mùa mưa nắng để tạo thời gian cho cây phân hóa mầm hoa, ra hoa tập trung và tăng tỷ lệ thụ phấn. Lượng mưa trung bình từ 1200 – 1500mm/năm. Vùng trồng bơ phải cao ráo, ít gió, không bị sương muối và các hình thức thời tiết khắc nghiệt khác.

Ở Việt nam các khu vực từ Huế trở vào phía nam hầu hết đều có thể trồng bơ, riêng miền bắc chỉ có một số vùng nhỏ lẻ có thể trồng được bơ chẳng hạn: Mộc Châu (Sơn La), Lục Nam (Bắc Giang), Anh Sơn (Nghệ An), Nghĩa Lộ (Yên Bái)… Tuy nhiên năng suất và chất lượng không được cao như bơ trồng ở phía Nam.

III. CHỌN GIỐNG ĐỂ TRỒNG CÂY BƠ

Hiện nay thông qua quá trình khảo nghiệm của các viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước, cũng như các tổ chức, tư nhân người ta đã chọn ra được một số giống bơ có khả năng thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam. Tạm thời chia thành 2 loại chính:

- Các giống bơ trong nước: Bơ 034 trái dài, bơ Năm Lóng, bơ Thành Bích, bơ Không Tên, bơ Trịnh Mười, bơ TA01, TA40…

- Các giống bơ có nguồn gốc ngoại nhập: Bơ booth 7, bơ reed, bơ hass, bơ gem, bơ cuba,...

- Các giống bơ này hầu hết đều cho thu hoạch trái vụ, chất lượng thịt quả có độ béo cao, sáp dẻo, màu sắc bắt mắt, quả cân đối, giá trị thương phẩm cao.

Để có giống chuẩn, hầu hết người ta nhân giống bằng phương pháp ghép hoặc nuôi cấy mô (ít phổ biến)… đây là các phương pháp nhân giống vô tính, giúp giữ lại gần như 100% đặc tính của cây mẹ, khác với trường hợp nhân giống từ hạt có sự phân ly rất lớn về giống.

IV. THỜI ĐIỂM TRỒNG VÀ MẬT ĐỘ TRỒNG CÂY BƠ

1. Thời điểm trồng:

Nhìn chung nếu có điều kiện tưới nước, bà con có thể trồng bơ vào bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thích hợp nhất là khoảng thời gian đầu mùa mưa từ tháng 4-5 trở đi. Trồng mùa khô thì phải thường xuyên giữ ẩm, phủ gốc kết hợp với che nắng chắn gió cho cây…

2. Mật độ trồng:

Phụ thuộc vào trồng thuần hay trồng xen canh với các loại cây khác. Nếu trồng thuần thì mật độ thích hợp là 4x5m – 5x5m (đất dốc, đất xấu) hoặc 6x6m (đối với đất bằng phẳng). Trường hợp trồng xen canh với cây cà phê thì mật độ thích hợp là 9x9m hoặc 9x12m.

V. CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG, CHUẨN BỊ HỐ TRỒNG CÂY BƠ

1. Chuẩn bị đất:

Đất trồng bơ cần được cày xới cho tơi xốp, bổ sung thêm phân xanh, phân chuồng trong quá trình cày xới. Dọn dẹp các rễ cây lớn, đá tảng nếu có… Sau đó san cho bằng phẳng. Việc chuẩn bị đất cần tiến hành vào mùa khô hoặc cuối mùa mưa. Có thể bổ sung thêm vôi bột để điều chỉnh độ pH về mức phù hợp với cây bơ.

Chuan-bi-dat-trong,-chuan-bi-ho-trong-cay-bo

Chuẩn bị đất trồng, chuẩn bị hố trồng cây bơ

2. Đào hố trồng bơ:

Cách thời điểm trồng bơ 1 tháng ta tiến hành đào hố để trồng bơ, hố có kích thước từ 0,4m đến 0,6m (0,4m x 0,4m x 0,4m hoặc 0,6m x 0,6m x 0,6m). Dùng lớp đất mặt trộn đều với 10-15kg phân chuồng + 0,5kg phân lân + 1 thìa nấm đối kháng Trichoderma. Lấp đầy hố và tưới đẫm nước, có thể vun đất hơi cao hơn mặt đất xung quanh từ 5-10cm.

VI. KỸ THUẬT TRỒNG CÂY BƠ

- Sau khi chuẩn bị hố trồng được 1 tháng ta bắt đầu tiến hành trồng cây bơ, dùng cuốc hoặc xẻng đào một lỗ vừa phải ở chính giữa hố trồng, chiều sâu ngắn hơn chiều cao của kích thước bầu ươm bơ, mục đích để sau khi trồng phần gốc bơ sẽ cao hơn mặt đất xung quanh tránh đọng nước dễ dẫn đến các bệnh về rễ.

- Dùng dao hoặc kéo cắt lớp nilon đáy bầu ươm, đặt bầu vào hố trồng, sau đó cắt dọc lớp nilon, gỡ hẳn ra khỏi bầu ươm đồng thời lấp đất và nén nhẹ xung quanh để cố định bầu và cây. Nên lấp đất nổi cao về phần gốc, tránh đọng nước ở gốc.

- Sau khi trồng nên tưới nước ngay đồng thời cắm cọc cố định và tạo dáng vươn thẳng cho cây, có thể kết hợp che nắng, phủ gốc bằng rơm rạ nếu trồng vào thời điểm chưa có mưa nhiều hoặc trồng vào mùa khô.

VII. CHĂM SÓC CÂY BƠ (tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành)

1. Tưới nước cho cây bơ

Giai đoạn 1-2 năm đầu tiên là giai đoạn cây còn nhỏ, bộ rễ chưa phát triển mạnh, cần chú ý chăm sóc cây bơ cẩn thận và phải thường xuyên cung cấp đủ nước cho cây phát triển, đặc biệt là mùa khô. Có thể kết hợp với các biện pháp giữ ẩm như phủ cỏ khô, rơm rạ, xác bèo quanh gốc. Ngoài ra nên đánh bồn dựa theo hình chiếu của tán cây, bồn không cần đánh sâu và phần gốc phải vun cao hơn mặt đất xung quanh để tránh đọng nước. Việc đánh bồn ngoài mục đích để tưới nước thuận tiện, còn giúp cho quá trình bón phân dễ dàng hơn.

Giai đoạn năm thứ 3 trở đi, bộ rễ đã phát triển mạnh, mùa khô hầu như không cần phải tưới nước nữa, trường hợp nắng hạn kéo dài thì mới cần phải tưới nước, ngoài ra từ thời điểm này cây đã bắt đầu ra hoa đậu quả, cần chú ý việc tưới nước như sau:

- Không tưới nước vào giai đoạn cây đang trổ bông, chỉ tưới lại khi trái đã đậu và có kích thước 1-2cm.

- Trước thời điểm cây ra bông, cũng cần ngưng nước 1 thời gian đủ dài, khi lá dần chuyển sang màu vàng, trên cành xuất hiện các chồi nụ thì tưới nước, tưới quá sớm cây sẽ ưu tiên ra nhiều chồi lá hơn, ảnh hưởng đến năng suất.

2. Bón phân cho cây bơ

- Năm đầu tiên: Ưu tiên bón thúc bằng phân đạm xanh hoặc phân NPK có tỷ lệ N, P cao. Mỗi tháng bón 1 lần, mỗi lần khoảng 1 thìa canh hòa tan với khoảng 15-20 lít nước và tưới vào gốc.

- Năm thứ 2: Vẫn tiếp tục bón thúc nhưng tăng lượng phân lên 0,5 – 1kg/cây. Chia thành 4-6 lần bón trong năm, bón mùa khô cần kết hợp với tưới nước để tránh lãng phí.

- Năm thứ 3 trở đi: Là giai đoạn cây bắt đầu cho thu hoạch trái, mỗi năm bón 4-6kg/gốc. Chia làm 4-5 lần bón. Sử dụng phân NPK tỷ lệ tùy theo giai đoạn sinh trưởng, đầu mua mưa tỷ lệ Đạm (N) – Lân (P) cao, giữa và cuối mùa mưa tăng tỷ lệ Kali (K) lên để nuôi trái và tăng chất lượng trái.

- Bên cạnh đó trong suốt vòng đời sinh trưởng của cây bơ, cũng cần bổ sung phân bón lá, phân vi lượng thông qua hình thức phun xịt lên lá. Mỗi năm 3-4 lần, kết hợp chung với thuốc trừ sâu để phòng trừ bọ xít muỗi, nhện đỏ, rệp sáp hại chồi non lá non. Đối với cây đã cho thu hoạch, giai đoạn nuôi quả cần phun bổ xung Canxi, Bo để hạn chế rụng trái và tăng chất lượng thịt quả.

- Phân chuồng và các loại phân hữu cơ khác, hàng năm nên bón bổ sung ít nhất 1 lần, mỗi lần 10-20kg, kết hợp với bón nấm đối kháng Trichoderma và lân nung chảy. Bón bằng cách đào rãnh xung quanh cây, dựa theo hình chiếu của tán lá. Rãnh sâu từ 20cm trở lên. Thời điểm bón thích hợp là gần cuối mùa mưa, đầu mùa khô.

3. Cắt tỉa cành, tạo tán cho cây bơ

- Đối với trồng thuần, khi cây đạt chiều cao từ 0,8 – 1m, tiến hành hãm ngọn vào nuôi cành tỏa đều xung quanh gốc. Tạo dáng cân đối, phát triển tự nhiên. Loại bỏ các chồi vượt từ gốc ghép hoặc cành mọc chồng chéo, cành yếu ớt.

- Đối với trồng xen, để tránh cạnh tranh không gian sinh trưởng với các cây xen canh (ví dụ: cà phê, ca cao…) Nên ưu tiên nuôi 1 chồi duy nhất để tạo dáng vươn thẳng cho cây. Khi cây bơ cao tầm 2m bắt đầu hãm ngọn và nuôi cành ngang.

Cat-tia-canh-tao-tan-cho-cay-bo

Cắt tỉa cành, tạo tán cho cây bơ

- Giai đoạn cây nuôi trái, sức nặng của trái có thể làm gẫy cành, do đó cần dự đoán và tiến hành các biện pháp neo buộc, chống đỡ để hạn chế gãy cành, giảm năng suất cũng như ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

- Hàng năm sau thu hoạch cần cắt bỏ cành già cỗi, cành khô, cành có dấu hiệu sâu bệnh, tạo dáng cân đối cho cây, tránh để cành lá quá rậm rạp, sẽ phát sinh các loại sâu bệnh gây hại. Nhất là phần gốc, cần ưu tiên thông thoáng tuyệt đối.

VIII. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO CÂY BƠ

Thiệt hại do bệnh gây ra nguy hiểm hơn sâu trên cây bơ, nên phòng trừ sâu bệnh hạn chế dùng thuốc, tạo độ thông thoáng, hạn chế ẩm ướt, dọn sạch tàn dư.

Phong-tru-sau-benh-cho-cay-bo

Phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ

1. Bệnh nứt thân, thối rễ

Ở các vị trí đất ẩm ướt, trũng, nấm Phytophthrora cinamoni xâm nhập hại rễ cọc rồi phá hủy cả bộ rễ làm chết cây. Biểu hiện tán lá cây chuyển màu xanh nhạt, xơ xác, rụng dần, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính, trên thân có những vết nứt dọc, thâm đen trong mạch gỗ.

2. Bệnh khô cành:

Nấm Colletotrichum cloeosporiodes xâm nhập làm khô chết cành. Quả già nấm làm nhũn từ phía cuối. Nếu nắng nóng kéo dài chiếu trực tiếp , cây mới trồng, ít lá cũng gây ra bệnh này.

3. Bệnh trên quả già

Khi quả đang phát triển, đường kính 1-3 cm trên vỏ có các điểm đen nhỏ, khi sắp thu hoạch có vết nứt nhỏ, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt ra làm giảm giá bán và mẫu mã. Phòng trừ bằng cách tạo vườn thông thoáng, phun thuốc phòng ngừa khi cây đậu quả, dọn tàn dư.

4. Côn trùng hại rễ

Các loại côn trùng như: dế, mối, kiến,rệp sáp, cây tập trung ở 0-50 cm làm lá vàng, cây suy yếu và dễ chết.

5. Bọ xít

Chích hút nhựa trên ngọn non, lá non làm héo, chùm đọt, quả non tạo ra các vết chấm đen trên vỏ quả và nhiều hạt chai cứng trong thịt quả. Nếu bệnh nặng làm rụng quả, nhiều loại nấm bệnh xâm nhập làm giảm năng suất, chất lượng quả.

6. Mọt đục thân cành

Vào giữa mùa mưa đến giữa mùa khô,  trên các vườn bơ sâu mọt đục nhiều lỗ trên thân, cành làm lỗ đục có phấn trắng. Lỗ đục nhỏ, ngắn nhưng làm giảm sự phát triển của cây, làm cành dễ gãy.

IX. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN QUẢ CÂY BƠ

- Tùy theo giống bơ mà thời điểm thu hoạch lại khác nhau, thông thường từ 6-8 tháng tính từ thời điểm cây ra bông. Các giống bơ thường thu hoạch vào khoảng tháng 8 DL, trong khi bơ trái vụ thường thu muộn hơn hoặc sớm hơn. Riêng một số giống bơ tứ quý có thể cho thu hoạch rải rác quanh năm.

- Cây bơ khi đủ điều kiện thu hoạch thường có sự chuyển hóa về phần vỏ, màu trở nên nhạt đi, xuất hiện các đốm lấm tấm bằng hạt cám, sáng màu, khi lắc có thể nhận thấy phần hạt đã tách rời ra khỏi phần thịt quả. Lúc này đã có thể thu hoạch, nên ưu tiên hái khi quả đủ độ già, không nên để quả tự rụng.

- Khi hái cần hái cả cuống sẽ giúp tăng thời gian bảo quản, dễ vận chuyển đi xa. Ngoài ra cần dùng túi hoặc bao sạch để hứng quả, tránh để quả rơi trực tiếp xuống đất, vừa có nguy cơ bể, hỏng, hoặc trầy xước giảm giá trị thương phẩm.

- Khi hái xong cần vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, tránh để lâu quả sẽ chín vận chuyển không được. Thường thì bơ sẽ chín sau 2-4 ngày, một số giống bơ có vỏ dày như booth, hass, reed… thì có thể để được từ 5-7 ngày hoặc 10 ngày nếu giữ trong môi trường mát mẻ. Trường hợp cần bảo quản lâu hơn có thể sử dụng túi và máy hút chân không để bảo quản từng trái.

Như vậy, chúng tôi vừa chia sẽ đến bà con kỹ thuật trồng cây bơ đúng cách, giúp tăng năng suất cũng như tạo điều kiện để cây phát triển bền vững. Để cây bơ phát triển và cho năng suất cao, bà con cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp trồng và chăm sóc khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất. Chúc bà con có vụ mùa bội thu!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: