LÃO NÔNG DI LINH VÀ VƯỜN SẦU RIÊNG BẠC TỶ

LÃO NÔNG DI LINH VÀ VƯỜN SẦU RIÊNG BẠC TỶ
Wednesday,
14/12/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Với 7.000 gốc sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch từ 350 đến 400 tấn đã mang về cho gia đình lão nông Vũ Văn Bằng ở ấp 12, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ông Bằng cũng được xem là nông dân có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng khi canh tác 29 ha đất nông nghiệp.

TỪ BƯỚC ĐỘT PHÁ…

Như đã hẹn, chúng tôi đến trang trại của ông Vũ Văn Bằng. Cánh cửa dẫn đến nhà ông ấy đã được chốt và tôi đã quay số. Đầu dây bên kia giọng nói của một người đàn ông có vẻ lớn tuổi vang lên: Tôi đang ở ngân hàng, anh đợi tôi khoảng 30 phút nữa nhé!

Đúng 30 phút sau, ông Bằng về. Vừa xuống xe, ông dẫn khách vào trong ngôi nhà mái Thái sang trọng. Sau khi mời nước, ông lấy trái sầu riêng ra và tự tay khui mời khách. Ông nói rất thản nhiên khi tôi hỏi thu nhập của gia đình ông năm 2019 là bao nhiêu: “Ít thôi, hơn… 15 tỷ đồng!”. Tôi giật mình với cái gọi là “ít thôi” của ông.

Có được cơ ngơi như hiện nay là cả một quá trình đánh đổi mồ hôi, công sức và tiền bạc. Nói đến đó, ông trầm ngâm hướng đôi mắt có vết chân chim nhìn xa xăm…

"Chúng ta ra vườn đi!" - ông mời. Ra phía sau biệt thự, ông lùi chiếc xe hơi ra và đưa chúng tôi đi thăm khu vườn. Thì ra trang trại sầu riêng chính của ông ở xã Hòa Bắc. Nơi đây cũng có nhà cửa khang trang, nhà xưởng kiên cố, ông làm cho gia đình các con trai ông ở và lo cho nhân công. Cạnh đó là dãy nhà rộng rãi với công suất có thể chứa cùng lúc hơn 30 nhân công. Ngoài ra, ông Bằng còn bỏ ra 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hàng rào quanh vườn, vừa thuận tiện trong việc quản lý, bảo vệ vườn, vừa có điều kiện để thả gà thả vườn...

Cũng như bao người dân khác ở các xã của huyện Di Linh, trước đây ông Bằng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cà phê trên diện tích 2 ha ở xã Hòa Nam. Năm 1997, ông đầu tư mở rộng diện tích đất sản xuất tại xã Hòa Bắc.

Ông Bằng nhớ lại: Lúc đó đất rẻ lắm. Tính ra 10 ha đất trồng cà phê chưa đến 500 triệu đồng, mỗi ha chỉ trên dưới 45 triệu đồng. Để có tiền mua đất, tôi phải vay mượn họ hàng, bạn bè khắp nơi. Nhưng may thay, giá cà phê nhân năm 1996 từ 10.000 đồng/kg đã tăng gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Vậy là chỉ sau một năm, tôi đã có lãi trên 10ha đất.

Năm 2007, ông phá bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng sầu riêng. Tôi hỏi: Ông phá hết một lúc 10 ha? Vâng, tôi đã phá hết, rất nhiều người nghĩ rằng tôi bị tâm thần. Nhưng tôi đã xác định ngay từ đầu. Nếu ngày đó tôi không mê sầu riêng thì đã có sẵn vườn cà phê, chỉ cần bỏ công chăm sóc, mỗi héc ta có thể cho 2-2,5 tấn cà phê nhân. Nhưng do cà phê lúc đó mất mùa, 2-3 năm liền cà phê bị rụng, cây già cỗi, năng suất thấp nên tôi cũng bắt đầu chán. Nếu cải tạo, phục hồi thì chi phí cũng cao. Còn phá trồng mới thì chi bằng tôi chuyển sang trồng sầu riêng. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư vào một cái mới.

LẬP NÊN TRANG TRẠI BẠC TỶ

Kể tứ lúc đó, cứ sau bữa sáng, cả gia đình ông Bằng cùng nhau lên quả đồi sau nhà phát cà phê, lấy đất trồng sầu riêng, nuôi mộng làm giàu.

Hơn 10 năm trước, nhiều người ở đây chặt sầu riêng để trồng cà phê nhưng ông Bằng lại làm ngược lại. Thế là thời gian sau đó, cả gia đình ông phải vật lộn với công việc trồng sầu riêng. Hơn một năm, khu vườn rộng gần 10ha phủ kín sầu riêng. Niềm vui càng lớn hơn khi sầu riêng phát triển tốt, cho trái và được thương lái đến tận vườn thu mua.

“Khi cây sầu riêng đã phát huy hiệu quả, có thêm nguồn thu, tôi gom góp lại và vay thêm từ ngân hàng thuê máy đào san gạt mặt bằng, xây dựng hồ chứa để tưới cho cây, rồi tiếp tục trồng thêm sầu riêng... Nhiều người thấy tôi phát rẫy trồng cây ăn quả nhưng chỉ trồng mỗi cây sầu riêng thì cũng can ngăn, khuyên bảo nên đa dạng hóa các loại cây ăn quả. Nhưng tôi trồng sầu riêng đã quen với quy trình chăm sóc rồi, nên không lo lắm”, ông Bằng cười tươi.

Ở trang trại của ông Bằng, bất kể thời điểm nào trong năm, vườn cây cũng luôn xanh tốt với hồ chứa đầy nước, xung quanh cây cối là hệ thống ống tưới nhỏ giọt liên tục “nhả” nước, tưới cho hàng nghìn cây sầu riêng. Và hiện tại, hàng nghìn gốc sầu riêng giống Thái Lan đang sai trĩu quả. Với kinh nghiệm nhiều năm tích lũy, ông nghiệm ra một điều, nếu không sản xuất cây ăn trái theo mô hình xanh, sạch thì nhà nông khó mà đứng vững.

Theo ông Bằng, với diện tích trồng sầu riêng lớn, sản lượng trái mỗi năm lên đến vài trăm tấn, thay vì thương lái thu mua theo hình thức xe ôm đến đón từng nhà vườn, họ sẽ đưa xe tải từ 5 tấn trở lên, thậm chí xe container vào tận vườn lấy hàng một lần. Vì vậy, chỉ cần mình làm không sạch là lô hàng bị phát hiện ngay, điều này sẽ mất uy tín với khách hàng. Vì vậy, hai yếu tố hàng đầu được ông Bằng ưu tiên là canh tác sầu riêng theo hướng sạch và bền vững.

Hiện toàn bộ diện tích cây ăn trái của gia đình ông đều được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học, bón phân hợp lý. Nhờ vậy, khách hàng tin tưởng sản phẩm làm ra và tìm đến tận vườn đặt mua với giá cao.

Với hàng nghìn cây sầu riêng trong vườn đang trĩu quả đã mang lại thu nhập ổn định hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Bằng.

Nói về chuyện làm ăn, ông Bằng cho biết thêm: Năm nào dư dả thì mua thêm đất, trồng thêm sầu riêng. Nhờ vậy mà đến nay trang trại của ông có tổng diện tích 29 ha. Riêng năm 2020, ông mua thêm 4 ha đất và trồng gần 1.000 cây giống sầu riêng.

Trong tổng số 7.000 cây sầu riêng của ông Bằng, hiện đã có 4.000 cây kinh doanh và năm tới đây sẽ đưa vào kinh doanh thêm 1.000 cây nữa. Riêng vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, trang trại của ông sẽ cung ứng cho thị trường sản lượng ít nhất 300 tấn sầu riêng Thái Lan, thu lãi từ 8 đến 10 tỷ đồng. Trang trại của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.

Là một nông dân có niềm đam mê và hiểu biết, ông Vũ Văn Bằng đã và đang làm giàu cho chính mình và cho xã hội ngay tại vùng đất Di Linh màu mỡ này.

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: 032.669.3970 Gọi đặt hàng 1: 0326.208.405
popup

Số lượng:

Tổng tiền: