MẸO TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA HỒNG KHI MỚI MUA VỀ TỶ LỆ SỐNG CAO NHẤT

MẸO TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA HỒNG KHI MỚI MUA VỀ TỶ LỆ SỐNG CAO NHẤT
Sunday,
07/08/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Cây hoa hồng khi mới mua về thường được bọc trong một bầu đất nhỏ hoặc được đặt trong một chậu nhựa bé hoặc trong một giỏ tre. Để cây phát triển tốt, cho hoa đẹp, chúng ta cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây bằng cách chuyển chúng sang một chậu lớn hơn hoặc trồng trực tiếp xuống đất. Ở giai đoạn mới trồng, chúng ta cần nhẹ nhàng và có quy trình chăm sóc cẩn thận để cây không bị chột hoặc lâu phát triển. Sau đây, chúng tôi xin chia sẽ tới các bạn cách chăm sóc cây hoa hồng khi mới mua về, các bạn cùng tham khảo nhé.

Chọn chậu:

- Các bạn nên chọn chậu trồng phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây hoa hồng để cây có đầy đủ không gian phát triển và có thể hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất.

- Nếu đó là một cây hồng trưởng thành, thân cây lớn, có nhu cầu nước nhiều thì bạn nên trồng trong một chậu lớn vì sẽ giúp giữ ẩm lâu.

- Còn để trồng những cành giâm mới mọc rễ và còn yếu thì nên chọn chậu nhỏ sẽ thích hợp hơn, nếu dùng chậu lớn, khi tưới lượng nước dư thừa không có lối thoát ra thì bộ rễ cây hồng sẽ hư thối, làm chết cây.

- Đồng thời, khi chọn chậu trồng hoa hồng, bạn nên chọn loại chậu có chân, để đáy chậu không áp sát xuống mặt đất, gây trở ngại cho việc thoát nước. Nếu không, phải kê chậu lên cao, cách mặt đất khoảng 5cm mới tốt. Chú ý có lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu bởi hoa hồng không chịu được ngập úng. Nên chọn loại chậu có hai lỗ thoát nước, nếu chỉ có một, thì lỗ đó phải đủ rộng (đường kính khoảng 2cm) thì mới đủ sức thoát nước.

Cách trồng hoa hồng khi mới mua về:

Cach-trong-hoa-hong

Cách trồng hoa hồng

Khi chuyển hoa hồng từ chậu của các cửa hàng sang chậu của mình hoặc trồng xuống đất, các bạn phải thao tác nhẹ tay, tránh làm bể bầu đất, hại đến bộ rễ.

Chọn đất hay mùn tơi xốp có độ thoát nước tốt không để nước tưới bị ứ đọng làm hư bộ rễ, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục để lót dưới bầu cây trước khi trồng. Khi trồng tay trái giữ cây, tay phải lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong, bạn cần  tưới thật đẫm nước. Tùy vào kích thước bồn hay chậu mà bạn chọn khoảng cách giữa các cây phù hợp, đảm bảo lá cây nhận đầy đủ ánh sáng. Tránh trồng quá gần nhau cây sẽ mọc vống cao do phải cạnh tranh ánh sáng với các cây bên cạnh.

Khi đặt bầu đất vào chậu, bạn nên chèn thêm đất mới chung quanh gốc cho ngập cổ rễ. Sau đó tưới nhẹ cho đất dẽ chặt xuống. Việc kế đó là cắm vào ba thanh tre nhỏ bằng chiếc đũa để chống đỡ cho thân cây mới trồng đứng vững được trong chậu. Những cây que này nên cắm sát thành chậu kiểng, vì nếu cắm vào giữa chậu có thể sẽ phạm vào bộ rễ của cây hoa hồng. Cột chặt thân, cành vào các que tre ấy để giúp cố định cây và cây có thể đứng vững. Chỉ khi nào biết chắc bộ rễ cây hoa hồng đã cắm sâu vào đất, giúp thân cây đứng vững thì bạn mới nhổ bỏ những que chống này.

Khi cây hồng vừa trồng qua chậu mới, bạn cần phải che nắng cho cây suốt tuần lễ đầu, có làm được như vậy mới hi vọng trồng mười cây hồng sống đủ cả mười.

Tưới nước:

Tuoi-nuoc-cho-cay

Tưới nước cho cây

Hoa hồng là cây ưa nắng, tuy nhiên khi trồng vào ở những nơi nhiều nắng các bạn cần thường xuyên tưới nước cho cây vì như vậy đất trồng mới đủ độ ẩm cần thiết cho cây, để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nên tưới ít nhất ngày 2 lần sáng và chiều vào mùa nắng, vào mùa mưa thì khi nào nắng gắt chúng ta mới cần tưới nước cho cây, bạn cũng cần quan sát xem lỗ thoát nước có thông thoáng không, tránh đọng nước sẽ tác động xấu đến bộ rễ của cây. Lưu ý tưới lúc chiều mát nhưng không quá trễ để nước không còn ướt lá và nụ hoa qua đêm dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển.

Bón phân:

Bon-phan-cho-cay

Bón phân cho cây

Hoa hồng khi trồng trong chậu, chất dinh dưỡng có sẵn trong đất không nhiều, nên hễ thấy cây bớt sung thì chúng ta cần phải lo bón phân dành cho hoa hồng thêm vào chậu. Nếu trồng đại trà ngoài vườn, việc bón phân nên thực hiện theo định kì. Hồng trồng chậu thì mỗi tháng nên bón thêm một ít phân chuồng hoặc phân NPK. Phân chuồng nên phơi khô, đập nhuyễn rồi rải một lớp mỏng lên khắp mặt đất chậu. Đồng thời cần kết hợp tưới nước hàng ngày sẽ giúp phân ngấm dần vào đất và cung cấp dưỡng chất nuôi cây. Nếu dùng phân NPK thì bạn nên pha vào nước theo tỉ lệ đã được hướng dẫn ngoài bao, sau đó tưới lên thân, cành và gốc. Lưu ý là phân hóa học chỉ dùng đúng liều lượng, tuyệt đối không dùng dư.

Phòng trừ sâu bệnh hại:

Khi mới mua cây về, các bạn cần quan sát tổng thể xem cây có dấu hiệu bất thường như thân cây có màu sắc lạ hay cây bị thâm đen hay không… Nếu thấy có các dấu hiệu như vậy, bạn nên lập tức bôi thuốc phòng bệnh cho cây.

Đồng thời, chúng ta cũng cần chăm sóc bộ lá cho cây, bởi muốn cây khỏe thì bộ lá của cây phải phát triển xanh tốt và hoàn toàn không bị sâu bệnh.

Như vậy chúng tôi vừa chia sẽ cách trồng và chăm sóc hoa hồng khi mới mua về. Hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn yêu thích trồng hoa, đặc biệt là hoa hồng. Chúc các bạn có những vườn hồng xinh đẹp nhé!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: