-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
SẦU RIÊNG RỤNG TRÁI NON: NGUYÊN NHÂN, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Wednesday,
21/06/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Khi cây sầu riêng bước vào thời kỳ ra hoa đậu trái thường xảy ra hiện tượng rụng trái non. Ngoài vấn đề sầu riêng rụng trái non do quá trình sinh lý, còn có những nguyên nhân tác động bởi cách chăm sóc, dịch hại, điều kiện ngoại cảnh,… Điều này ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ cũng như sức khỏe của sầu riêng sau thu hoạch. Vậy những nguyên nhân đó là gì và biện pháp xử lý hiệu quả như thế nào, mời bà con cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
I. NGUYÊN NHÂN SẦU RIÊNG RỤNG TRÁI NON
Do khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa, việc thay đổi thời tiết nhanh chóng gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây sầu riêng. Ở phía Nam, nơi sầu riêng được trồng rất nhiều thì thường xuyên xảy ra hiện tượng nắng nóng lâu ngày rồi đột ngột chuyển mưa. Bên cạnh đó biên độ nhiệt (nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm) tương đối lớn làm cho cây không kịp thích nghi dẫn đến việc sầu riêng bị rụng trái non.
Nguyên nhân sầu riêng rụng trái non
Hiện nay, cây sầu riêng đang trong giai đoạn mang quả, qua quá trình khảo sát và thăm vườn chúng tôi thấy hiện tượng sầu riêng rụng trái non rất nhiều, hiện tượng rụng trái non có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: rụng do cạnh tranh dinh dưỡng khi cây ra đọt non, rụng do sốc nước, rụng do sốc nhiệt, rụng do bệnh do nấm, rụng do thiếu dinh dưỡng hay rụng sinh lý,...
1. Rụng do cạnh tranh dinh dưỡng khi cây ra đọt non
Cây sầu riêng ra đọt mạnh trong giai đoạn này có rất nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất như: mưa nhiều khiến cây kích đọt, rễ mạnh; dinh dưỡng không cân đối quá dư thừa đạm; sử dụng kích thích ra rễ đọt mạnh; cây quá khỏe mà số lượng trái quá ít; chặn đọt trễ hoặc không hiệu quả.
Việc bà con bón quá nhiều phân đạm dẫn đến cây tập trung ra đọt non và lá non, cạnh tranh trực tiếp chất dinh dưỡng, gây ra tình trạng ra đọt non trong mùa ra hoa và đậu quả của sầu riêng. Đây cũng nguyên nhân sầu riêng bị rụng trái non. Đối với sầu riêng trái dưới 1,5kg mà cây ra chồi mới thì cây ngay lập tức ưu tiên dinh dưỡng nuôi đọt trước, nuôi trái sau và hậu quả là rụng trái hàng loạt.
2. Rụng do sốc nước
Sầu riêng rụng trái non do sốc nước có thể xảy ra khi cây sầu riêng bị tiếp xúc với lượng nước đột ngột hoặc quá nhiều nước mà không thể chịu đựng được. Đây là một vấn đề phổ biến mà cây trồng có thể gặp phải.
Việc nhà vườn đợi vài ngày mới tưới nhiều nước 1 lần hoặc mưa đột ngột, mưa trái mùa hay xảy ra làm lượng nước cung cấp cho cây thay đổi và sẽ rụng.
3. Rụng do sốc nhiệt
Khi thời tiết nắng nóng liên tục, xen lẫn một vài trận mưa trái mùa hoặc do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao, đồng thời không khí khô thường xuất hiện ở khu vực Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ sẽ dẫn đến rụng bông, trái non hàng loạt.
4. Rụng do bệnh nấm
Sầu riêng rụng trái non do nấm bệnh có thể là một vấn đề phổ biến trong cây trồng sầu riêng. Nấm bệnh gây hại cho cây sầu riêng có thể làm cho quả non bị rụng trước thời điểm chín hoặc không phát triển đầy đủ. Điều này gây ra mất mát trong năng suất và chất lượng của quả sầu riêng.
Sầu riêng rụng trái non do nấm
Nấm thán thư tấn công thường xuất hiện nhiều giai đoạn bông , nếu nhà vườn không phòng trừ tốt sẽ gây hậu quả khi có trái non sẽ rụng.
5. Rụng do thiếu dinh dưỡng hay rụng sinh lý
Khi đậu trái, cây sầu riêng sẽ có đợt rụng trái non do sinh lý, điều này rất bình thường. Cây không thể nuôi toàn bộ trái nên việc rụng bớt trái để tập trung nuôi dưỡng số lượng trái nhất định. Cây sẽ tiết ra một số chất điều hòa sinh trường để hình thành tầng rời ở cuống trái, sau đó trái sẽ rụng xuống.
Cây đang mang trái rất cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp nuôi trái, nếu cung cấp không kịp thời thì sẽ dẫn đến việc rụng trái non sầu riêng.
II. BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC SẦU RIÊNG RỤNG TRÁI NON
Tình trạng sầu riêng rụng trái non nếu không khắc phục kịp thời trái sẽ rụng nhanh chóng trong vòng 3 ngày.
Khi gặp trường hợp trên, bà con có thể áp dụng công thức phun:
250 ml cobio root+ 100 gam sp hạn chế rụng+ 100 gam sp sữa non (S)+ 40 ml headline.
Pha cho 200 lít nước. Phun ướt đều chùm bông hoặc trái, có thể phun phớt qua mặt trong của tán lá.
Phun 2 lần cách nhau 3-4 ngày. Giúp cây hạn chế rụng bông, rụng trái non.
1. Rụng do cạnh tranh dinh dưỡng khi cây ra đọt non
Có 2 biện pháp:
- Hãm đọt : không cho ra đọt non nhưng sẽ làm cây mất sức, năng suất không cao và dễ bệnh hoặc chết cây sau thu hoạch.
- Nuôi bông và nuôi đọt: Kích bông trước, sau khi mắt cua ra 7-10 ngày thì kích ra đọt, khi lá già thì bông chuẩn bị xổ nhuỵ. Đảm bảo cây Khoẻ - Sung và năng suất cao.
Để phòng tránh cây mang trái non bị đi đọt, ta cần:
- Sử dụng cân đối giữa đạm, lân, kali cùng trung vi lượng để cây phát triển đều.
- Không sử dụng quá nhiều đạm vào lúc mưa cũng như khi trái còn quá nhỏ.
- Chặn đọt kịp thời khi lá còn ở dạng mầm.
- Sử dụng NPK với Kali và Lân cao để ngăn mầm đâm chồi.
- Nếu đọt đã đi mạnh cần chặn gấp thì pha 1 – 2kg MKP cho 200 lít nước phun ướt tán lá để ngăn đọt phát triển (đốt đọt), có thể phun lần 2 sau 7 – 10 ngày nếu vẫn chưa chặn được đọt. Lưu ý khi sử dụng MKP cây sẽ khá mất sức nếu phun liều nặng và nhiều lần (có thể dẫn đến rụng lá hàng loạt). Do đó không khuyến cáo sử dụng đốt đọt bằng MKP nếu không còn biện pháp khác.
- Không sử dụng kích ra rễ, đọt giai đoạn này.
- Phun Canxi – Bo để trái cứng cáp, chống rụng vào mùa mưa.
- Giữ lại số lượng trái phù hợp để vừa ngăn cây sinh trưởng quá mạnh đồng thời tránh trái quá khổ.
2. Rụng do sốc nước
Giai đoạn trước và sau xổ nhụy cây chỉ cần đủ ẩm (tức 1/3 lượng nước thông thường) nhằm giữ ẩm cho bộ rễ và hạn chế sốc đột ngột do mưa. Vì vậy nên tưới nhấp nước để cây quen từ từ. Duy trì thời gian tưới 10 – 15 phút, sau đó tăng dần, không nên tưới liền 30 – 60 phút liên tục.
3. Rụng do sốc nhiệt
- Duy trì tưới nước đều đặn, đồng thời phun nước lên tán lá để giải nhiệt cho cây. Thời điểm: buổi sáng (trước 10 giờ sáng) và buổi chiều (từ 4 giờ đến 6 giờ), tránh tưới và phun nước vào buổi trưa nắng sẽ càng làm cây bị sốc hơn.
Biện pháp khắc phục sầu riêng rụng trái non
- Nên giữ cỏ vườn, cỏ quanh tán nhằm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
4. Rụng do bệnh nấm
Nhà vườn cần chủ động, tích cực phòng ngừa bệnh ngay từ đầu để bệnh không xuất hiện, giảm thiểu được tối đa chi phí chữa bệnh, hạn chế thiệt hại kinh tế do bệnh gây ra.
- Tạo điều kiện cho cây sầu riêng phát triển tốt hơn, bao gồm: tưới nước đầy đủ, bón phân đúng cách, và giữ cho đất không bị ngập úng.
- Thường xuyên kiểm tra trái sầu riêng để phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh.
- Thời gian thu hoạch trái sầu riêng nên đúng và thu hoạch trái sầu riêng trước khi bị nhiễm bệnh.
- Trồng cây với mật độ vừa phải để tạo sự thông thoáng cho vườn, thường xuyên vệ sinh vườn, thu gom lá rụng.
- Trồng cây sầu riêng trên đất có độ thông thoáng và có khả năng thoát nước tốt. Đảm bảo vườn thoát nước tốt trong mùa mưa. Nếu đất vườn trồng sầu riêng thấp phải có hệ thống thoát nước tốt tránh vườn bị ngập úng hoặc độ ẩm cao.
- Sử dụng phân bón có chứa các chất khoáng và vi lượng để tăng cường sức đề kháng của cây. Bón cân đối giữa đạm, lân, kali, tuyệt đối không bón thừa đạm. Sử dụng phân chuồng đã được xử lí bằng các chủng nấm có lợi như Trichoderma bón cho sầu riêng để cung cấp chất mùn cho đất, bổ sung thêm các vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất, tiêu diệt các loại nấm gây hại.
- Sau khi cây đậu quả, cần phun phòng nấm khuẩn định kỳ 10 – 15 ngày 1 lần để phòng ngừa nấm gây thối trái sầu riêng. Sử dụng các loại phân thuốc tăng sức đề kháng và đặc trị nấm trên sầu riêng.
- Kiểm tra và loại bỏ các trái sầu riêng bị nhiễm bệnh. Thu gom và xử lý ngay những quả và cây bị nhiễm bệnh mang đi tiêu hủy để ngăn ngừa nấm bệnh lây lan sang những cây khỏe mạnh khác.
Để phòng trừ nấm trái trên sầu riêng cần phòng ngừa bệnh và điều trị bệnh đúng cách. Ngoài ra, bà con cần chăm sóc trái sầu riêng một cách tốt nhất để đảm bảo chất lượng và sản lượng đạt hiệu quả tốt nhất.
5. Rụng do thiếu dinh dưỡng hay rụng sinh lý
Bón phân Hữu cơ và NPK đầy đủ trước khi làm bông ít nhất 3 tháng:
- Hữu cơ từ 5-10 kg / gốc và 2 - 3 tháng bón 1 lần.
- NPK : dùng NPK ba số bằng nhau (15-15-15, 16-16-16...) bón 0,5 kg - 1 kg / gốc và 1 tháng / lần.
Cung cấp đủ dinh dưỡng phân hữu cơ và NPK ba số thì hạn chế rất nhiều hiện tượng này.
Biện pháp phun Bo chống rụng hay các chất chống rụng chỉ hiệu quả khi cây khoẻ (đủ dinh dưỡng), nếu cây suy yếu thì cho dù phun bao nhiêu cũng rụng.
Lưu ý : Những biện pháp này chỉ giúp cứu những trái chưa rụng , giúp nhà vườn giữ được 1 phần năng suất do đó phun càng sớm càng tốt. Trường hợp trái đã buông dĩa và rụng thì không cứu được.
Như vậy, qua bài viết này chúng tôi vừa chia sẻ đến bà con nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái non. Hy vọng với những thông tin hữu ích mà chúng tôi đã chia sẻ sẽ giúp bà con dễ dàng áp dụng để làm tăng tỷ lệ đậu trái, cải thiện năng suất cũng như chất lượng cây sầu riêng vườn nhà nhé!
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất
- Lễ Hội Sầu Riêng Krông Pắc lần 2 chính thức quay trở lại với loạt các hoạt động thú vị
- Vật tư Nông nghiệp Bích Trâm trưng bày 6 gian hàng tại Lễ Hội Sầu Riêng 2024