KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MÃNG CẦU NA THÁI

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MÃNG CẦU NA THÁI
Friday,
10/09/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Na Thái, có nguồn gốc từ Thái Lan, là giống na mới có năng suất cao, chất lượng tốt, trái to, có trọng lượng từ 0,5 đến 1 kg/ quả, bên trong có ít hạt hoặc không hạt. Để na Thái đạt năng suất cao, bà con tham khảo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na Thái như sau:

Kỹ thuật trồng và chăm sóc na Thái

Cách nhân giống na Thái

Cây ươm hạt: Hạt giống được chọn từ những cây năng suất cao ổn định, quả to đều, ăn ngon, sinh trưởng khỏe mạnh. Tuy nhiên, cách này sẽ có nhiều khả năng bị thoái hóa giống dẫn đến năng suất kém, quả na không to như cây mẹ.

cay-giong-na-thai

Cây giống na Thái

Cây ghép: bà con có thể ghép mắt hoặc ghép cành, đây là phương pháp nhân giống vô tính nên cây con giữ được nhiều ưu điểm của cây mẹ, cây mau ra quả, năng suất cao và ổn định hơn.

Thời điểm trồng na Thái và mật độ trồng na Thái

Đối với loại cây ăn quả này, bà con có thể trồng quanh năm, từ đầu mùa xuân đến hết tháng 8-9, miễn là bà con tưới tiêu cho cây đầy đủ. Riêng nếu bà con trồng vụ đông, cây sẽ lâu đâm chồi hơn do cây gặp khí hậu lạnh.

Mật độ trồng: Na thái trưởng thành có tán rộng khoảng 4-5m, do đó bà con có thể trồng với mật độ 2×3 hoặc 3x3m.

Kỹ thuật đào hố, chuẩn bị đất trồng na Thái

Hố trồng có kích thước 0,5 x 0,5 x 0,5m. Bà con cần trộn đều đất mặt với 20kg phân chuồng hoai mục + 0.3kg supe lân + và thuốc chống mối (furadan, basudin). Sau đó, bà con lấp đầy hố và ủ ít nhất 1 tháng trước khi trồng.

Ở vùng ngập trũng, bà con có thể tiến hành đánh luống, đào mương giữa 2 hàng để giúp cây thoát nước tốt hơn.

Cách trồng na Thái

Khi trồng, bà con dùng dao hoặc kéo cắt lớp nilon bầu ươm, cần làm nhẹ tay tránh để vỡ bầu. Sau đó, đặt cây vào chính giữa hố, đảm bảo miệng bầu ngang mặt đất. Sau đó dùng tay nén nhẹ quanh gốc. Phần sát gốc nên vun nhẹ cho cao hơn xung quanh tránh để nước đọng có thể gây úng rễ.

Sau khi trồng, nếu thấy vườn trống trải nhiều gió, bà con cần tiến hành cắm cọc cố định cây, tránh gió to làm cây đổ ngã.

Tiếp đến, bà con nên đánh bồn xung quanh cây để tiện việc tưới tiêu trong mùa khô. Cách này có thể hạn chế cỏ dại, đồng thời bà con cần giữ ẩm gốc cây bằng một số vật liệu sẵn có như cỏ khô, vỏ trấu, rơm rạ… Bà con cần thăm vườn và quan sát mắt ghép nếu đã liền vỏ thì bà con nên gỡ dây ghép, tránh để cây bị bó than, dẫn đến sinh trưởng chậm và dễ gãy đổ.

Kỹ thuật chăm sóc na Thái

Chăm sóc định kỳ

cham-soc-na-thai

Chăm sóc na Thái

Tưới nước: giống na Thái rất cần nước, nhất là trong những tháng mùa khô, giai đoạn nuôi quả và khi quả sắp chín. Bà con cần thường xuyên kiểm tra đất và cung cấp đầy đủ nước cho cây. Tránh để cây bị héo, cây sẽ rụng nhiều lá làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây.

Làm cỏ định kỳ: khi cây còn nhỏ, bà con có thể trồng xen canh các loại cây đậu đỗ, vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại vừa cải thiện thu nhập cho nông hộ. Chỉ nên trồng xen các loại đậu đỗ tán thấp, không có dây leo. Mỗi năm, bà con nên làm cỏ ít nhất 4 lần, phần gốc cây nên phủ bằng rơm rạ, cỏ khô, trấu…, trước mỗi lần bỏ phân, bà con cũng cần xới xáo đất ở gốc cây, vừa có tác dụng phá váng, vừa tăng hiệu quả của phân bón. Khi cây giao tán, mật độ cỏ dại sẽ ít hơn.

Bón phân: Giai đoạn kiến thiết là 3 năm đầu, bà con nên bón phân có tỷ lệ đạm và lân cao để cây phát triển cành và bộ rễ. Cứ mỗi 1 đến 2 tháng, bà con bón phân một lần. Mỗi lần bón 0,3-0,4kg NPK tỷ lệ 2:2:1. Khi bón bà con cần kết hợp với tưới nước hoặc bón khi thời tiết mưa ẩm.

Giai đoạn kinh doanh: Mỗi năm, bà con bón 2-3 lần phân vô cơ. Lúc này cần tăng tỷ lệ Kali để tăng chất lượng quả. Phân hữu cơ như phân chuồng nên bón ở mỗi gốc 20-30kg, mỗi năm bà con chỉ cần bón 1 lần. Khi bón phân hữu cơ, bà con nên đào hố hoặc rãnh đối xứng quanh gốc sâu từ 20cm, năm sau đổi sang hướng còn lại.

Phân vi lượng: cần phun loại phân này mỗi năm 2-3 lần. Khi phun bà con nên chọn thời tiết mát mẻ, không có mưa dầm, không nắng gắt. Bà con có thể kết hợp pha chung phân với thuốc rầy để tăng hiệu quả và tiết kiệm công chăm sóc.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây na Thái

Cây na Thái ít bị sâu bệnh, chủ yếu là rệp sáp hại rễ, hại quả. Để biết tình trạng của cây, bà con cần thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá, phần kẽ quả. Nếu thấy xuất hiện rệp, bà con cần xử lý bằng thuốc ngay. Đồng thời cũng nên phun định kỳ để phòng trừ sâu bệnh. Các loại thuốc thường sử dụng như Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin… không phun nếu cây đang có quả. Đối với các loại thuốc, bà con phải để ý thời gian cách ly ghi trên bao bì sản phẩm. Tránh để quả nhiễm độc khi thu hoạch làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

Thu hoạch và bảo quản na Thái

thu-hoach-na-thai

Thu hoạch na Thái

Na Thái thu hoạch vào khoảng tháng 6 đến tháng 9. Khi quả sắp chín sẽ chuyển sang màu vàng xanh, phần giữa các mắt nứt nhẹ, đỉnh múi thấp xuống gọi là na mở mắt. Khi thu hoạch bà con nên cắt cả cuống, giữa các quả, bà con cần lót bằng lá chuối hoặc rơm, giấy báo, tránh để quả cọ xát vào nhau, gây trầy vỏ, thâm vỏ làm giảm giá trị thương phẩm. Thu hoạch khi trái đã già, quả na thơm ngon nhất là sau khi hái khoảng 2-4 ngày quả sẽ chín. Do đó, sau khi thu hoạch xong, bà con cần vận chuyển đi tiêu thụ ngay.

Hy vọng với những thông tin hữu ích về kỹ thuật trồng và chăm sóc na Thái, bà con ứng dụng để vườn na nhà mình đạt năng suất cao, mang đến nguồn thu ổn định cho nông hộ.

Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: