-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
KỸ THUẬT BÓN THÚC THEO TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CÂY TRỒNG
Thursday,
26/08/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Bón thúc là quá trình bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nhằm đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong khi bón lót được thực hiện vào giai đoạn đầu trước khi gieo trồng, thì bón thúc được thực hiện vào giai đoạn cây đang sinh trưởng và phát triển mạnh. Năng suất cây trồng cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật bón thúc. Vì vậy bà con nông dân cần nắm vững kỹ thuật bón thúc để giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao.
Vai trò của bón thúc:
Bón thúc được thực hiện vào lúc cây đang sinh trưởng mạnh như thời kỳ cây đẻ nhánh, vươn lóng, phát triển thân lá, tạo củ, tạo quả…. Đây là lúc cây cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây phát triển và đạt năng suất cao. Nếu không bón thúc kịp thời cây sẽ còi cọc và cho năng suất thấp.
Các phương pháp bón thúc:
Bón thúc cho cây
- Bà con có thể bón theo hốc, bón theo hàng, hay phun lên lá.
- Ngoài ra bà con cũng có thể bón vãi theo cách rãi đều phân bón trên mặt đất, vòng quanh tán cây khi đất đủ ẩm nếu đất khô cần tưới nước sau khi bón.
- Bón theo cách đào rãnh được thực hiện như sau: bà con đào rãnh kích thước rộng 20cm và sâu10cm theo chiều rộng của tán cây rải phân rồi lấp đất.
- Tưới phân: bà con hòa tan phân bón trong nước tưới rồi tưới vào gốc, lượng nước vừa phải đủ thấm vào đất, không để dư thừa khiến nước chảy ra ngoài gây thất thoát phân bón.
Kỹ thuật bón thúc cho từng loại cây:
Bón thúc cho rau
- Đối với rau như cải bắp, cải bẹ, cải xanh, dưa leo, cà tím… bà con nên bón thúc 3 lần cho cây:
+ Lần 1 vào lúc cây còn nhỏ (có 2-3 cặp lá thật), lúc này bà con bón thúc để cây phát triển thân lá.
+ Lần 2 vào giai đoạn ra hoa.
+ và lần 3 vào lúc quả đang lớn (đối với các cây rau ăn quả).
- Với các loại cải, bà con bón thúc lần thứ nhất là sau khi trồng 8-10 ngày, lần 2 sau khi trồng 22-25 ngày và lần 3 là 40 – 45 ngày sau khi trồng.
- Đối với cây ăn quả, hàng năm bà con nên bón thúc 2 đến 3 lần vào thời gian sau:
+ Ngay sau khi thu hoạch lúc này cây cần bổ sung dinh dưỡng, bà con cần bón đạm cho cây.
+ Gia đoạn trước khi ra hoa, bà con tập trung bón đạm và lân cho cây.
+ Khi quả mới hình thành còn nhỏ, lúc này, cây cần chủ yến là đạm và kali.
+ Giai đoạn từ khi chuẩn bị ra hoa đến khi quả đang lớn, bà con nên phun thêm phân bón qua lá.
- Đối với cây công nghiệp lâu năm: như cà phê, hồ tiêu, ca cao, bà con nên bón thúc mỗi năm 2 – 3 lần, chủ yếu vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Trong đó quan trọng là 2 đợt đầu mùa và cuối mùa mưa.
Kỹ thuật bón thúc theo giai đoạn sinh trưởng của cây
Bón thúc được chia ra nhiều lần bón như sau:
Bón thúc thời kỳ sinh trưởng, sinh dưỡng: là bón vào thời kỳ cây phát triển thân, cành, lá, đẻ nhành và vươn lóng.
Bón thúc nụ, thúc hoa:
- Nhằm cung cấp chất dinh dưỡng để cây phân hóa mầm hoa, tạo điều kiện cho hoa ra khỏe, nhiều, đồng loạt, tăng tỷ lệ đậu quả.
- Bà con nên bón khi nhìn thấy một vài chùm nụ xuất hiện (thường trước khi nở hoa rộ 25-30 ngày)
- Cách bón:
+ Bón phân theo hình chiếu của tán cây, đây là vị trí hoạt động mạnh nhất của bộ rễ: bà con cần đào 4 hốc hình chữ nhật quanh gốc cây, có chiều rộng khoảng 15-20cm, chiều dài 25-30cm, độ sâu 15-20cm, khi dào, bà con hạn chế làm đứt rễ cây. Bón phân theo tỷ lệ: 1N:1P205:1K20 tính theo hàm lượng đạm, lân và kali nguyên chất (1kg N = 2,25kg ure; 1kg K20 = 1,8kg kali clorua; 1kg P205 = 6kg supe lân).
Bón thúc quả:
Bón thúc quả
- Nhằm cung cấp kịp thời và bổ sung chất dinh dưỡng để cây nuôi quả, tạo hạt, tích lũy đường, bột…giúp cây trồng tăng năng suất.
- Bà con nên bón vào giai đoạn quả đang lớn mạnh, thường bón sau khi đậu quả 30-45 ngày;
- Tỷ lệ phân bón: 2K2O:1N.
* Chú ý:
+ Tùy vào tuổi của cây, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây để bà con tính toán lượng phân bón cụ thể cho từng cây mỗi lần bón thúc nụ, hoa và quả.
Ví dụ: với những cây thừa đạm lá có màu xanh thẫm, xanh đen không được bón thêm đạm, mà chỉ bón thêm phân kali.
+ Khi bà con dùng phân hỗn hợp NPK thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với bón phân đơn. Bởi vì phân NPK có chất phụ gia bao bọc từng thành phần nên chậm tan trong nước, cây hấp thu được 70-80%. Trong khi phân đơn thường bị rửa trôi, bay hơi mạnh nên cây chỉ sử dụng được 20-40%.
+ Khi bón phân, bà con cần tưới đủ ẩm cho cây, để phân được hòa tan khuếch tán trong đất, giúp bộ rễ hấp thu được thuận lợi.
+ Giai đoạn đang nở hoa, cây rất nhạy cảm nên bà con không nên cuốc hố vì có thể làm đứt rễ cây, làm cho cây rụng nhiều nụ và hoa. Nếu cây thiếu phân giai đoạn này, bà con nên hoà tan phân đạm và kali tưới quanh tán cây.
Nên dùng loại phân bón thúc gì?
Khi bón thúc cho cây, bà con cần dựa vào loại đất, vào loại cây, và cả thời tiết của từng mùa vụ để xác định loại phân, lượng phân và thời gian bón cho thích hợp.
– Giai đoạn cây con đang phát triển như lúc cây đâm tiêm, đẻ nhánh, vươn lóng, phát triển cành lá… bà con nên bón nhiều phân đạm hơn lân và kali hoặc dùng các loại phân hỗn hợp NPK có hàm lượng Đạm cao, lân và kali vừa phải.
– Giai đoạn cây nuôi quả, nuôi củ, tích lũy đường… bà con nên dùng các loại phân có hàm lượng Kali và đạm cao.
Lưu ý: Ngoài việc bón phân đa lượng là Đạm, Lân, Kali, bà ccon cũng cần lưu ý bổ sung các loại phân trung lượng như Ca, Mg, S, Si, và vi lượng như Cu, Fe, Zn, Mo, Bo… cho cây trồng để cây phát triển khỏe mạnh và cân đối.
Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất