6 BƯỚC CƠ BẢN Ở GIAI ĐOẠN CƠI ĐỌT CỦA CÂY SẦU RIÊNG

6 BƯỚC CƠ BẢN Ở GIAI ĐOẠN CƠI ĐỌT CỦA CÂY SẦU RIÊNG
Tuesday,
20/12/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Đối với các hộ trồng sầu riêng, để cây sầu riêng cho năng suất cao, bà con thường chỉ chú trọng vào giai đoạn làm bông, làm trái cho cây. Riêng giai đoạn cơi đọt thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất quan trọng bởi khi bộ lá khỏe thì cây nuôi trái cũng tốt hơn. Sau đây là 6 bước cơ bản ở giai đoạn cơi đọt cho cây sầu riêng mà bà con cần chú trọng để cây có được những cơi đọt tốt.

CHUẨN BỊ TẠO CƠI MỚI CHO CÂY SẦU RIÊNG:

Đầu tiên, bà con cần quan sát khoảng cách giữa đọt già và đọt non xem có cách xa quá không. Điều này giúp xác định độ già và sự đồng loạt của đọt. Nhờ đó, bà con kích thích phát triển cho cơi đọt tiếp theo. Nếu thấy các cơi đọt chưa phát triển đồng loạt, bà con cần điều chỉnh để lá lụa già nhanh hơn, đồng thời chặn cơi đọt già bằng cách sử dụng phân MKP để quá trình làm giá lá non nhanh hơn đồng thời làm chậm lại quá trình phát triển của cơi già giúp cơi già và cơi non phát triển đều hơn.

Ở giai đoạn già của cơi đọt, bà con sẽ tiếp tục tạo thêm cơi đọt mới cho cây. Đối với các vườn sầu riêng có tán lớn, um tùm, bà con cần tiến hành rửa cây, tẩy rong riêu và sát khuẩn cho cây. Bằng cách này, sẽ hạn chế được nấm bệnh cho cây trong giai đoạn cây ra hoa và đậu trái. Thuốc sử dung trong thời điểm này chủ yếu là gốc đồng (Cu) hoặc Mancozeb. Ngoài ra, bà con cũng có thể sử dụng Nano Cu pha với 200-250 lít nước để sát khuẩn, trừ nấm, tẩy rong rêu cho cây sầu riêng ở giai đoạn này.

CẮT TỈA – TẠO TÁN CHO CÂY:

Khi cơi đọt già, tức là bộ rễ của cây cũng già theo. Lúc này, bà con cần tỉa cành, tạo tán và sửa tán cho cây nhằm giúp cây hình thành cơi mới. Giai đoạn này cây không có rễ mới nên việc hấp thu dinh dưỡng cũng kém hơn.

Cat-tia-canh-cho-cay-sau-rieng

Cắt tỉa cành cho cây sầu riêng

Việc cắt tỉa cành nên được thực hiện và mùa nắng hoặc những ngày nắng tốt của mùa mưa nhằm tạo sự khô ráo cho cây, đồng thời cũng hạn chế tối đa nấm bệnh phát triển.

Công tác cắt tỉa cành là nhằm tạo sự thông thoáng cho cây. Vì thế bà con cần loại bỏ các cành ốm yếu, sâu bệnh, cành tâm, cành vượt trong tán… Từ đó, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cây ở giai đoạn sau. Ngoài ra, nếu nhận thấy những cành vượt ảnh hưởng đến tán làm lép tán thì bà con cũng nên cắt ngọn trên các cành vượt đó và loại bỏ những cành không mong muốn.

Việc cắt tỉa tạo tán sẽ để lại những vết thương trên cây sầu riêng. Để hạn chế tác động của những vết thương này đến sự phát triển của cây, bà con nên quét vết thương. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của vết thương trên cây mà bà con có thể sử dụng các hoạt chất như Metalaxyl, Copper, Mancozeb, Forestyl Al.

Trong trường hợp bà con chỉ tỉa ít ở những cành tâm thì nên sử dụng sản phẩm chứa Mancozeb và Copper. Bà con có thể kết hợp sử dụng chất điều hòa sinh trưởng để cây bung cơi đọt đồng đều hơn (1 cơi đọt chỉ nên sử dụng 1 lần).

Như vậy, việc cắt cành sẽ để lại các vết thương trên cây, vì vậy, bà con sử dụng thuốc quét vết thương hoặc phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho cây.

Lưu ý: Do đây là giai đoạn các cành và lá của cây đều đã già, nên việc cắt tỉa cũng sẽ ít ảnh hưởng đến cây. Nếu bà con cắt tỉa khi cành còn non thì có thể làm rối loạn dinh dưỡng ở cây.

DINH DƯỠNG CHO CÂY SẦU RIÊNG:

Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Có 3 nguồn dinh dưỡng cơ bản mà cây sầu riêng cần hấp thụ ở giai đoạn này:

- DINH DƯỠNG CHO RỄ: Humic là sản phẩm bón có tác dụng tái tạo và kích thích hình thành rễ mới. Vì vậy, bà con nên sử dụng Humic để giúp cây phát triển bộ rễ khỏe, đi đọt nhanh, xanh cây, dày lá và tăng cường quang hợp cũng như sinh trưởng cho cây trồng.

Vì rễ là nơi hấp thụ và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây nên việc bổ sung chất dinh dưỡng cho rễ ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng.

Bà con có thể sử dụng Humic 1-2 lần trước và sau khi tỉa cành, nếu sử dụng 2 lần thì cách nhau 5-7 ngày là phù hợp. Khi bộ rễ phát triển tốt, cây có thể tận dụng lại nguồn dinh dưỡng cũ để tạo cơi đọt mới và kết hợp với dinh dưỡng có sẵn trong thân để tạo điều kiện cho cơi đọt mới phát triển tốt hơn.

- DINH DƯỠNG HỮU CƠ: Tác dụng của phân hữu cơ rất chậm nhưng ít hao hụt, vì nó tan chậm nên cây hấp thụ từ từ. Bà con có thể dùng trước hoặc sau khi cắt cành đều được. Sụ kết hợp giữa Humic và phân hữu cơ là nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây, tạo điều kiện cho sự hình thành cơi mới.

- BỔ SUNG NPK: Giai đoạn này phân NPK là nguồn dinh dưỡng thứ yếu. Do nó tan nhanh, tác dụng nhanh nên khả năng thất thoát cao, bà con có thể sử dụng kết hợp với phân hữu cơ hoặc bón cho cây sau khi cây ra rễ mới.

Lưu ý: Ưu tiên sử dụng Humic để tạo rễ, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt, sau đó ưu tiên dinh dưỡng hữu cơ, sau đó là NPK. Bà con có thể sử dụng kết hợp hoặc sử dụng riêng tùy theo tình trạng của lần sử dụng trước đó.

GIAI ĐOẠN NHÚ CƠI:

Sau khi cắt cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, người dân mong đợi kết quả ở giai đoạn nhú cơi. Giai đoạn này bà con cần chú ý sâu bệnh tấn công, cơi đọt nhú không đều hoặc thiếu dinh dưỡng. Vì vậy bà con cần làm các việc sau:

- Quản lý sâu bệnh: Khi cơi vừa nhú rất dễ bị rầy xanh, nhệnh đỏ tấn công, bà con có thể dùng thuốc phòng trừ để phun phòng. Đối với các loại sâu bệnh phổ biến khác như sâu vẽ bùa, bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp… bà con nên chủ động phun để phòng trị bệnh.

- Kích cơi đồng loạt: bà con có thể dùng chất điều hòa sinh trưởng để kích thích cơi ra đồng loạt, mỗi cơi bà con chỉ nên dùng 1 lần, không nên lạm dụng.

- Dinh dưỡng: Khi lá đầu phát triển, có thể tiếp xúc được với phân bón lá và khi cơi mới vừa nhú, bà con cần xem xét cơi đã đủ dinh dưỡng chưa, nếu thiếu thì cần bổ sung kịp thời. Tùy điều kiện thời tiết mà bà con điều chỉnh lượng dinh dưỡng cho phù hợp. Các chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này là axit amin, nguyên tố vi lượng và đạm cao 33-11-11.

PHÁT TRIỂN CƠI CHO CÂY SẦU RIÊNG:

Khi lá mở hoàn toàn, chu kỳ dinh dưỡng tiếp theo quyết định phần lớn đến nguồn dự trữ cho cây và sự phát triển cho cơi đọt tiếp theo. Bà con xem xét độ xanh, dày của lá, biểu hiện độ mập hay ốm của cành, độ khoẻ hay yếu của bộ rễ. Nếu cành yếu thì cần cung cấp nhiều dinh dưỡng, hoặc nếu cung cấp ít dinh dưỡng thì bà con nên chia ra từng đợt nhỏ. Thời điểm này nhện đỏ, rầy xanh, rệp sáp rất dễ tấn công. Bà con có thể sử dụng thuốc Vansi để phun phòng trị.

Bà con có thể kết hợp sử dụng phân humic kích rễ, phân hữu cơ và phân NPK. Nếu như các vụ thu hoạch trước bà con cung cấp ít hữu cơ cho cây sầu riêng thì giai đoạn này nên cung cấp nhiều hơn vì đây là một quá trình sinh trưởng lâu dài cho đến khi cây ra nụ. Lúc này, cây cần nhiều chất dinh dưỡng để cây khỏe mạnh và hoàn thiện bộ lá.

LÀM GIÀ CƠI ĐỒNG LOẠT:

Đây là giai đoạn bà con cần tạo tiền đề để cơi đọt sau phát triển đồng loạt hơn. Bà con có thể bón lá bằng KNO3 (Đạm và Kali) và MPK 0-52-34 (Lân và Kali) để lá dày lên, thúc đẩy quá trình trao đổi chất nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình già của cơi đọt, giúp chặn đọt cơi đã phát triển. Một số trường hợp khả năng đi đọt cao bà con có thể sử dụng phân NPK (kali cao) để hạn chế, chặn cơi đọt để cơi phát triển đồng loạt trên cả vườn. Trường hợp này cũng hiếm sử dụng, hoặc nếu có sử dụng thì bà con cũng chỉ áp dụng với những cây có khả năng đi đọt cao.

Như vậy, chúng tôi vừa chia sẽ đến bà con 6 bước cơ bản ở giai đoạn cơi đọt của cây sầu riêng. Để cây ra hoa và đậu trái tốt, bà con cần áp dụng Phương pháp tỉa hoa sầu riêng đúng cách. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

 

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: