BỆNH THÁN THƯ TRÊN THANH LONG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ BỆNH

BỆNH THÁN THƯ TRÊN THANH LONG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ BỆNH
Thursday,
19/05/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Thán thư là loại bệnh gây hại thường gặp trên cây thanh long. Bệnh thường tấn công lên thân, cành, nụ hoa và trên cả trái thanh long. Đây là loại bệnh xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau nhưng nhiễm nặng nhất là giai đoạn sau thu hoạch. Khi vườn cây bị bệnh mà không có biện pháp điều trị kịp thời có thể gây tổn thất lớn đến năng suất và chất lượng nông sản. Vì vậy, bà con cần biết nguyên nhân cây bị bệnh để có biện pháp quản lý bệnh kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh thán thư:

Đây là loại bệnh do một loại nấm có tên Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm này tấn công chủ yếu trên cành, đọt, nụ hoa, hoa và trái. Mầm bệnh thường tồn tại trong xác bã thực vật có sẵn trong vườn hoặc trên cành, nhánh, trái thanh long đã bị nhiễm bệnh.

Nấm bệnh có khả năng lan truyền qua gió, nước, côn trùng và con người trong quá trình chăm sóc, quản lí vườn. Thời tiết mưa nhiều, ẩm độ và nhiệt độ không khí và đất cao là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh lan truyên nhanh chóng trong vườn. Loại bệnh này phát triển và gây hại nghiêm trọng chủ yếu là trong giai đoạn cây ra hoa, ra trái sắp thu hoạch và sau khi thu hoạch.

Triệu chứng của bệnh thán thư:

Bệnh thán thư xảy ra chủ yếu vào mùa mưa, bệnh gây hại cả trên cành, hoa, nụ và trái thanh long với các biểu hiện sau:

Trên cành: khi cành bị nhiễm bệnh, thân cành sẽ thối mềm có màu vàng sáng, sau đó chuyển dần sang màu nâu. Quan sát bà con sẽ thấy vết thối  thường sẽ bắt đầu từ phần ngọn hoặc ngay mắt của cành thanh long, sau đó vết bệnh lan dần vào bên trong phần thịt và lõi cành.

Benh-gay-hai-tren-canh

Bệnh gây hại trên cành

Trên hoa: ban đầu là những chấm li ti màu đen xuất hiện trên hoa thanh long, sau đó vết bệnh to dần, xung quanh có vầng màu vàng, hoa sẽ khô dần và rụng đi, từ đó làm giảm đáng kể số lượng trái đối với những vườn bị nhiễm nặng.

Benh-gay-hai-tren-hoa

Bệnh gây hại trên hoa

Trên trái: thông thường bệnh ít khi tấn công lên trên trái, tuy nhiên mầm bệnh có khả năng hiện diện trên vỏ trái lúc còn xanh, đến giai đoạn trái lớn sắp thu hoạch hoặc đã thu hoạch và tồn trữ, bệnh xuất hiện và phát triển với những đốm nhỏ ban đầu màu vàng sau đó lớn dần lên và chuyển sang màu nâu đen.

Benh-gay-hai-tren-trai

Bệnh gây hại trên trái

Quy trình quản lí bệnh tổng hợp thán thư trên cây thanh long:

Để giảm bớt những thiệt hại do bệnh thán thư gây ra trên cây thanh long, bà con cần chú ý cần chăm sóc và quả lí vườn thật tốt, đặc biệt vào mùa mưa ở các giai đoạn cho trái và sau thu hoạch.

Các biện pháp phòng trị và quản lí bệnh thán thư trên cây thanh long gồm có các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Sau thu hoạch:

Sau khi thu hoạch, bà con nên cắt bỏ, thu gom và tiêu huỷ những cành nhiễm sâu bệnh, cành tiếp xúc với bề mặt đất đất để hạn chế nấm bệnh từ đất, trái bị bệnh khu trú. Sau đó, bà con phun các thuốc trừ bệnh gốc đồng như: Coc 85, Norshield, Champion,…để tiêu diệt các mầm bệnh đã và đang hiện diện trong vườn hay để sát trùng các vết thương do tỉa cành, cắt trái để lại.                

Bà con cũng nên bón vôi cho toàn bộ vườn thanh long với liều lượng khoảng 1-2kg/ trụ.

Bà con cũng cần bón phân và chăm sóc cây theo quy trình kỹ thuật canh tác đã được địa phương khuyến cáo.

Lưu ý: bà con nên nên bón nhiều phân hữu cơ đã hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma, Bằng cách này, vừa giúp phân hủy chất hữu cơ nhanh, đồng thời chúng có khả năng diệt cả mầm bệnh hiện diện trên xác bã thực vật và trong đất trồng.

Giai đoạn 2: Ra nụ hoa

Trước hoặc sau khi cành có nụ hoa, bà con có thể phun ngừa bệnh thán thư bằng thuốc gốc đồng hoặc gốc Propineb kết hợp với thuốc trừ bọ trĩ (bù lạch) (Abamectin, Imidacloprid, …) vì trong giai đoạn này nụ bông thanh long rất dễ mẫn cảm với bệnh thán thư và bọ trĩ.

Sau khi hoa nở 2-4 ngày, bà con nên áp dụng biện pháp rút râu cũng hạn chế được bệnh phát triển và lây lan.

Giai đoạn 3: Sau khi đậu trái – trước thu hoạch:

Giai đoạn sau khi nụ hoa đã thụ phấn và hình thành trái, bà con nên phun thuốc trừ bệnh gốc Propineb, Defenoconazole, Azoxystrobin hoặc các thuốc trừ bệnh thán thư có tính lưu dẫn khác kết hợp với thuốc trừ sâu (bọ trĩ) khoảng 2- 3 lần.

Bà con có thể phun chất kích kháng gốc Salicylic acid (Bion, Exin, Sông Lam) 15 ngày trước khi thu hoạch nhằm tạo tính kháng cho cây. Tương tự, nếu bà con sử dụng biện pháp bao trái sau khi phun thuốc lần cuối (14 -15 ngày trước khi thu hoạch) thì sẽ góp phần hạn chế bệnh thán thư ở giai đoạn sau thu hoạch.

Giai đoạn 4: Sau thu hoạch (áp dụng cho thương lái thu mua, sơ chế và đóng gói):

Sau khi thu hoạch cần tiến hành xử lý nước nóng trái thanh long, ở nhiệt độ 53oC trong 10 phút không làm tổn thương trái và giảm thiểu đáng kể mầm bệnh sau thu hoạch.

Trong quá trình thu hoạch, nếu bà con thấy có vết bệnh xuất trên trái, bà con phải loại ngay, nếu không bệnh sẽ lây lanh nhanh chóng sang các trái không bị bệnh.

Như vậy, bệnh thán thư hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu nhà vườn biết được nguyên nhân và quy trình quản lý dịch bệnh. Để cây thanh long phát triển tốt và góp phần vào việc phát triển một nền nông nghiệp xanh, sạch và an toàn, bà con nông dân cần nắm vững nguyên tắc sử dụng phân hữu cơ sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: 032.669.3970 Gọi đặt hàng 1: 0326.208.405
popup

Số lượng:

Tổng tiền: