-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CÁCH BẢO VỆ THIÊN ĐỊCH TRONG VƯỜN CÂY CÓ MÚI
Tuesday,
02/08/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Để bảo vệ thiên địch, khi sử dụng thuốc trừ sâu, bà con cần ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học hay thuốc thảo mộc. Đây là những loại thuốc vừa nhanh phân huỷ, vừa có tiêu diệt sâu hại nhưng không hoặc ít ảnh hưởng tới thiên địch.
Thiên địch là những loài côn trùng như nhện hoặc các loài động vật khác… Chúng chuyên dùng sâu hại làm thức ăn để sinh trưởng, phát triển và hoàn thành vòng đời của mình. Vì vậy, thiên địch được xem là những loài có lợi bởi giúp người làm vườn tiêu diệt sâu hại mà không cần đến thuốc trừ sâu. Việc giảm đi các loài côn trùng có hại góp phần vào việc giữ ổn định và tăng năng suất cây trồng nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng. Từ đó góp phần làm giảm chi phí đầu tư do tiết kiệm lượng thuốc trừ sâu, đồng thời còn giúp cân bằng hệ sinh thái vườn cây và hạn chế dư lượng của các nhóm thuốc trừ sâu trong các sản phẩm của cây ăn quả có múi.
Các loài thiên địch chủ yếu thường gặp trong vườn cây ăn quả có múi gồm: Bọ rùa đỏ, bọ rùa vằn ăn rệp, ruồi ăn sâu, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, nhện lưới, ong ký sinh trứng và ký sinh sâu non của sâu hại... Thiên địch cũng cần có môi trường sống bao gồm nơi trú ngụ, nguồn thức ăn và các yếu tố sinh thái khác... phù hợp với từng loài. Dựa trên cơ sở đó, bà con cần có biện pháp bảo vệ, bảo tồn thiên địch trong vườn cây ăn quả có múi, trong đó cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Hỗ trợ thêm thức ăn và nơi cư trú của thiên địch
Ở một số vườn cây ăn quả, khi mật độ sâu hại thấp dẫn đến nguồn thức ăn cho thiên địch không đủ, hoặc để hấp dẫn thiên địch tới vườn cây, bà con có thể dùng một số loại thực phẩm thừa như lòng gà, vịt, trâu bò... treo trên cây để hấp dẫn kiến vàng đến sinh sống và làm tổ.
Ảnh 1: Nuôi kiến vàng trong vườn cây có múi
Bên cạnh đó, bà con cần dành một phần diện tích trong vườn cây, hoặc trồng xen cây ăn quả với một số loài cây có tác dụng làm nơi trú ngụ cho thiên địch như ổi, xoài... Bà con cũng không nên làm sạch cỏ mà nên giữ lại một phần cỏ dại trong vườn, bởi chúng vừa có tác dụng làm mát đất, hạn chế rửa trôi đất, vừa có tác dụng giữa ẩm và làm nơi trú ngụ cho thiên địch như cỏ trái nổ, cỏ cứt lợn, cỏ sữa lông, cỏ mần trầu... Bà con cũng có thể tạo một số cọng rơm nhỏ treo trên cây để cho thiên địch làm tổ và cư trú.
Hạn chế tác hại của thuốc trừ sâu đối với các loài thiên địch
Trên thực tế, đa số các loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng hiện nay đều rất độc đối với các loài thiên địch. Vì vậy, việc bà con sử dụng thuốc trừ sâu sẽ làm chết thiên địch, điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nhanh mật độ sâu hại.
Khi trong vườn không có thiên địch, hoặc thiên địch ở mật độ thấp thì quần thể sâu hại có thể tăng nhanh mật độ và bùng phát thành dịch trong thời gian ngắn, nhất là trong điều kiện thức ăn của sâu hại là cây trồng gần như đáp ứng đầy đủ nhu cầu của sâu hại là do quá trình thâm canh của con người tạo nên. Vòng đời của đa số các loài thiên địch dài hơn so với sâu hại, vì vậy khi sử dụng liên tục thuốc trừ sâu trong vườn cây ăn quả, sẽ huỷ diệt thiên địch, và để phục hồi lại mật độ thiên địch như ban đầu cần đòi hỏi một thời gian dài có thể là hàng vụ hoặc thậm chí hàng năm.
Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong vườn cây có múi
Do đó, bà con chỉ nên sử dụng thuốc trừ sâu khi không còn biện pháp nào khống chế được sâu hại và chỉ nên dùng khi thật cần thiết. Bà con lưu ý không nên phun thuốc trừ sâu bệnh tràn lan trên cả vườn mà chỉ nên phun tập trung đối với những cây có mật độ sâu hại cao. Ngay trên cùng một cây cũng chỉ nên tập trung phun vào những chỗ bị nặng như ổ rệp, chùm lá, chùm quả bị nhiễm sâu bệnh.....
Khi sử dụng thuốc trừ sâu, bà con phải cân nhắc dùng thuốc có tính chọn lọc, nên ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc nhanh phân huỷ, vừa có tác dụng tiêu diệt sâu hại nhưng không hoặc ít ảnh hưởng tới thiên địch, con người và môi trường xung quanh. Ví dụ, trong vườn cây ăn quả có múi bà con có thể dùng dầu khoáng để tiêu diệt nhiều loài sâu hại như rệp, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng..., bởi dầu khoáng ảnh hưởng rất ít tới các loài thiên địch trong vườn.
Biện pháp tăng mật độ thiên địch trong vườn cây ăn quả
Ở nhiều nước trên thế giới, người ta có các trung tâm nhân nuôi thiên địch, sau đó thả vào trong vườn cây ăn quả. Tại các vùng trồng cây ăn quả có múi, chủ vườn có thể đi bắt các tổ kiến vàng ở nơi khác rồi treo trong vườn cây. Ngoài ra, họ cũng buộc các sợi dây giữa các cây để cho kiến vàng di chuyển hoặc treo thức ăn để hấp dẫn các loài kiến vàng từ nơi khác đến.
Nếu bà con thực hiện tốt các biện pháp trên, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái vườn cây ăn quả có múi được canh tác một cách bền vững. Bằng cách này sẽ có rất ít hoặc không xảy ra dịch sâu hại, từ đó tiết kiệm được các loại thuốc trừ sâu, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi an toàn cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đây cũng chính là tiền đề nhằm tạo ra một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững đối với các loài cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi…
Như vậy, chúng tôi vừa chia sẽ đến bà con thông tin hữu ích về cách bảo vệ thiên địch trong vườn cây có múi. Để cây trồng cho năng suất cao, bà con cần tìm hiểu thêm giải pháp giúp tăng tỷ lệ ra hoa đậu quả cho cây trồng. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất
- Lễ Hội Sầu Riêng Krông Pắc lần 2 chính thức quay trở lại với loạt các hoạt động thú vị
- Vật tư Nông nghiệp Bích Trâm trưng bày 6 gian hàng tại Lễ Hội Sầu Riêng 2024