-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CÁCH PHÒNG TRỊ RỆP SÁP DÍNH GÂY HẠI TRÊN CÂY BƯỞI DA XANH
Wednesday,
27/07/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Bưởi Da Xanh là giống cây trồng mới xuất hiện không lâu nhưng đã thật sự trở thành một loại cây cho ra hoa quả đặc biệt mà ai cũng muốn thưởng thức, đồng thời đem lại tiềm năng phát triển kinh tế cho nhà nông. Để có những sản phẩm bưởi da xanh chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, bà con nông dân cần chú ý phòng trừ các loại côn trùng gây hại, trong đó có rệp sáp dính Lepisosaphes sp. gây hại bưởi da xanh.
Đây là loại rệp gây hại bằng cách bám chặt vào lá hoặc trái, chúng chích hút nhựa của các phần non của cây bưởi như đọt non, lá non, trái non và trên cả những trái đã già lớn. Khi bị rệp tấn công, cây bị suy yếu và không phát triển được.
Rệp sáp tấn công bưởi da xanh
Rệp sáp tấn công trái bằng cách bám chặt vào trái, chích hút nhựa trái, làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái.
Ngoài gây hại trực tiếp, trong chất bài tiết của rệp còn chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp nấm bồ hóng phát triển, điều này ảnh hưởng đến quang hợp của cây. Cả hai đối tượng này đã đồng thời tác động lên cây bưởi làm cho cây bị còi cọc, chậm lớn, ảnh hưởng nhiều đến năng suất và phẩm chất của trái.
Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh và gây hại bưởi da xanh. Ngoài tấn công bưởi da xanh, rệp sáp còn gây hại trên nhóm cây có múi. Do nguồn thức ăn của chúng phong phú nên việc phòng trừ rệp sáp vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, do cơ thể của các côn trùng thuộc họ rệp được phủ bởi sáp nên việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trị rất khó khăn và việc sử dụng thuốc không đúng có thể ảnh hưởng đến thiên địch của rệp sáp dính trong tự nhiên.
Để phòng trừ rệp sáp dính, bà con nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Bà con không nên trồng bưởi với mật độ quá dầy, đảm bảo mật độ trồng phù hợp để vườn luôn được thông thoáng.
Trồng bưởi với mật độ phù hợp
- Bà con cần vệ sinh vườn thường xuyên. Tiêu diệt kiến hôi, nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp bà con nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi bởi đây là tác nhân bảo vệ và lây nhiễm rệp sáp trong vườn.
- Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con nên cắt tỉa cành, tạo tán để vườn cây được thông thoáng trước khi ra đợt trái mới. Sau khi cắt tỉa, bà con cần dọn sạch vườn để tránh việc mầm bệnh lây lan từ cây này sang cây khác.
- Trong quá trình chăm sóc cây trồng, rệp dính có thể theo dụng cụ làm vườn, bám vào quần áo rồi lây lan từ vườn này sang vườn khác. Do đó, bà con cần vệ sinh dụng cụ làm vườn, giặt kỹ quần áo sau khi chăm sóc ở vườn bị nhiễm rệp dính trước khi vào chăm sóc vườn chưa nhiễm.
- Bà con cũng cần dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến.
- Khi cây bắt đầu ra đọt non, lá non, trái non, bà con lưu ý phun phòng trừ rệp sáp dính, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, nhện đỏ…
- Ngoài ra, bà con cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất. Khi mật số cao, bà con cần phun thuốc để phòng trị như: dầu khoáng SK Enspray 99EC, Abamectin, Emamectin, Movento,... Bà con cũng nên sử dụng luân phiên các hoạt chất để hạn chế kháng thuốc. Khi phun, bà con cần phun kỹ vào các bộ phận của cây, đặc biệt là thân và cành cây, nếu sử dụng thuốc lưu dẫn thì phun đều trên lá. Trường hợp mật số rệp dính cao, chúng xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau nên cần phun 2 - 3lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày cho đến khi tất cả các lớp rệp dính bong ra khỏi cây.
- Nếu rệp sáp ở dưới gốc, bà con xới đất nhẹ xung quanh gốc xử lý rải thuốc trị rệp, sau đó lấp đất lại và tưới đẫm nước.
Lưu ý: Trước khi phun thuốc bà con nên phun nước có pha nước rửa chén (10ml/10 lít nước) để rửa trôi bớt lớp phấn sáp bên ngoài cho thuốc dễ tiếp xúc với cơ thể của rệp, hiệu quả diệt rệp sẽ cao hơn.
Như vậy, để hạn chế rệp sáp tấn công cây bưởi da xanh, việc trồng cây với mật độ phù hợp, đảm bảo vườn cây thông thoáng rất quan trọng. Để cây cho năng suất cao, bà con cần chăm sóc bưởi đúng kỹ thuật vào thời kỳ đậu trái non. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu.
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất