-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC ĐỂ CÂY SẦU RIÊNG KHỎE MẠNH VÀ CHO THU HOẠCH LÂU DÀI
Monday,
16/05/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Sầu riêng là loại cây ăn quả nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á bởi đây là loại cây có giá trị kinh tế cao và được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây sầu riêng được trồng phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên. Để cây sầu riêng khỏe mạnh và cho thu hoạch lâu dài, bà con nông dân cần chăm sóc cây đúng kỹ thuật.
Đặc điểm của cây sầu riêng
Sâu riêng là giống cây ăn quả nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm nên các nước ở khu vực Đông Nam Á là nơi rất thích hợp để loại cây này phát triển. Nhiệt độ phù hợp cho cây sầu riêng phát triển là từ 22 – 30 độ C, nếu nhiệt độ tăng cao bà con cần có phương án giải nhiệt cho cây.
Đây là loại cây ưa ẩm nhưng chịu ngập nước không tốt, nên nhà vườn cần khai thông cống rãnh nhằm hạn chế úng ngập cho cây vào mùa mưa.
Đào rãnh nhằm hạn chế ngập úng cho cây sầu riêng
Sầu riêng là loại cây ăn quả thân gỗ, cây có thể cao tới 30 mét, tán rộng nhưng thưa, rễ mọc sâu 7 – 9 m dưới lòng đất. Mỗi năm cây ra hoa một lần, là hoa lưỡng tính mọc thành từng chùm trên cây. Bông sầu riêng nở vào ban đêm nên được thụ phấn chủ yếu nhờ dơi và bướm đêm.
Sau khi trồng từ 3 – 4 năm là cây bắt đầu cho thu hoạch những quả bói đầu tiên.
Cách lấy giống sầu riêng
Sầu riêng được trồng chủ yếu từ phương pháp ươm hạt mầm hoặc chiết cành. Để ươm hạt, bà con cần chọn hạt giống tốt từ cây mẹ khỏe, bà con sử dụng hạt sầu riêng để ươm mầm và gieo vào bầu đất. Khi cây con phát triển thì bắt đầu đánh ra hố trồng ngoài vườn.
Ươm giống bằng hạt
Với phương pháp chiết cành, người dân sẽ lựa chọn những cành giống khỏe mạnh, sạch sâu bệnh để chiết. Bà con dùng dao cắt khoanh một đoạn vỏ từ 5 – 9 cm, tùy vào kích thước cành chiết để điều chỉnh, chỗ chiết thường cách ngọn cành 60 – 70 cm và cách gốc cành ít nhất là 10 cm.
Sau khi cắt vỏ, bà con chờ 2 – 3 ngày cho tầng mặt gỗ đã khô thì đắp bùn rơm, xơ dừa… quanh chỗ đã bóc vỏ rồi bọc túi nilon đen để tránh rêu mốc phát triển và tránh ánh nắng. Sau khi bầu chiết ra rễ thì bà con có thể cắt cành ra trồng trong bọc nilon như cây con trước khi mang ra vườn trồng.
Ngoài ra, ở một số nơi, người dân còn áp dụng phương pháp nhân giống bằng cách ghép cành vào gốc ghép chữ U hay chữ T, hoặc ghép cành non bằng phương pháp tháp cành.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng
Làm hố là công việc đầu tiên được thực hiện từ 15-20 ngày trước khi trồng. Thông thường, mỗi hố cách nhau 10-12 mét. Sau khi làm hố xong, bà con cần bón lót phân hữu cơ vi sinh và thường xuyên tưới ẩm hố trồng.
Đến ngày trồng, bà con tiến hành đảo đất và phân bón trong hố cho đều, rồi đặt bầu vào giữa hố, ở độ sâu khoảng 20 cm, đặt bầu cao hơn mặt đất 2 – 3 cm. Sau đó, bà con vun đất lên sát miệng bầu và miệng hố để khi tưới nước không bị đọng ở rễ. Ngay sau khi đặt bầu xong là bà con tiến hành tưới nước cho cây.
Ngoài ra, bà con cũng cần phủ màng phủ nông nghiệp quanh hố trồng để giữ ẩm, hạn chế tình trạng rửa trôi đất và ngăn cỏ dại mọc.
Cuối cùng là việc cắm cọc tre, nứa … dài khoảng 1 mét quanh cây sầu riêng con để giúp cây con đứng thẳng.
Bộ rễ của cây sầu riêng con mới trồng chưa phát triển đấy đủ để hút nước, vì vậy bà con cần tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất. Bên cạnh đó, bà con có thể dùng lá chuối, lá dừa khô, vải để cho nắng cho cây con.
Cây non mới trồng phát triển chậm, giai đoạn này bà con cần chăm sóc cây cẩn thận để cây phát triển cân đối, khỏe mạnh. Mỗi năm, bà con bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh quanh gốc cây, cách gốc cây 20-30 cm. Trong 3 năm đầu, cây cần đạm và lân để phát triển cành và bộ rễ. Đến năm thứ 4 trở đi, bà con cần bón nhiều kali để kích thích cây ra trái.
Khi cây con phát triển được 6 – 8 tháng, bà con chọn một thân chính khỏe nhất, vươn thẳng làm thân chính, các cành ngang mặt đất từ 1 m trở xuống bà con nên cắt tỉa để phần gốc được thông thoáng, ít bị sâu bệnh tấn công.
Tỉa cành, tạo tán cho cây
Ba năm đầu khi cây ra hoa, bà con không cần thụ phấn cho cây, khi cây lên quả non bà con có thể ngắt bỏ để tránh làm cây mất sức. Đến mùa hoa năm thứ 4, bà con có thể giúp hoa thụ phấn bằng cách ngắt một chùm hoa rồi dùng nhị hoa này để thụ phấn cho các chùm hoa khác. Bà con cần ngắt bớt hoa trong mỗi chùm, chỉ để lại tối đa 10 bông / chùm. Bà con nên ghi chép lại những đợt hoa xả nhị, đánh số, đánh dấu cây trong từng đợt.
Hầu hết hoa sầu riêng sẽ đậu trái, nên bà con phải tỉa bớt hoa nhằm đảm bảo chất lượng và trọng lượng trái. Ngoài ra, bà con cũng cần tỉa quả cho cây theo từng đợt như sau: Khi trái được 3 – 4 tuần, bà con tỉa những trái nhỏ, trái méo, trái bị sâu bệnh. Khi trái được 8 tuần, bà con tiếp tục tỉa những trái dị hình, cong vẹo. Khi trái được 10 tuần, bà con cắt tỉa trái dị hình thêm một lần nữa.
Để cây có đủ dinh dưỡng để phát triển cơm, thích thước quả to tròn và trái có hình dạng đẹp, bà con chỉ giữ lại 2 – 3 quả / chùm, trung bình khoảng 70 – 120 quả / cây là phù hợp. Trường hợp cây đang nuôi quả mà có hiện tượng rụng quả thì bà con cần tỉa bớt quả để cây tập trung dinh dưỡng cho các quả còn lại.
Từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch vào khoảng 4 tháng. Trái sầu riêng chính có rảnh quả sâu, gai mềm, vỏ nở ra do múi sầu riêng nở. Bà con nên thu hoạch trái chín từ 5 – 7 ngày, tránh tình trạng thu hoạch trái non hay chín quá sẽ ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của quả.
Sầu riêng trồng năm thứ 4 và năm thứ 5 cho trái lớn nhất, các năm tiếp theo kích thước trái nhỏ hơn.
Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm, có thể cho thu hoạch liên tục trong 50-60 năm. Để cây đạt năng suất cao và mang đến nguồn lợi lâu dài, việc chăm sóc cây đúng kỹ thuật là rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, để quả thu được đạt giá trị thương phẩm cao, bà con cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cho cây, đặc biệt ở giai đoạn vào cơm. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất