HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĐINH LĂNG

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĐINH LĂNG
Sunday,
04/07/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Cây đinh lăng có mặt tại Việt Nam từ rất lâu đời, thường gọi với là cây gỏi cá hoặc cây nam dương sâm. Đây là giống cây thuộc họ ngũ gia bì, được rất nhiều hộ gia đình lựa chọn để trồng làm kinh tế. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng đem lại hiệu quả cao.

Giới thiệu về cây đinh lăng

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa, thường được dùng để làm cây cảnh, làm gia vị, làm thuốc trong đông y. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng được, phần lá ăn sống, trộn gỏi, dùng pha nước thay cho chè xanh (trà xanh). Phần thân và củ cây đinh lăng có thể dùng ngâm rượu, bào chế thuốc.

cham-soc-ding-lang

Đặc điểm cây đinh lăng

Trong cây đinh lăng có chứa chất saponin tương tự như cây nhân sâm hàn quốc, do vậy mà chúng còn được gọi với tên là Nam Dương Sâm. Ngoài ra đinh lăng còn chứa các vitamin B1, B2, B6, B12…cùng các acid amin có lợi cho sức khỏe. Phần tập trung nhiều chất nhất là ở phần rễ (hay gọi là củ). Từ xưa đã được dùng như một vị thuốc có tác dụng trong việc an thần, bồi bổ sức khỏe, chữa ngộ độc tiêu hóa…

Về hình thái thực vật: Các giống đinh lăng nói chung đều là cây bụi nhỏ, thân xốp và chiều cao từ 1-2m. Tán nhỏ, lá kép mọc so le, cuống lá dạng bẹ và ôm sát vào thân, lá có hình tròn hoặc hình mũi mác hay chia thùy nhiều lần tùy theo giống, phần gốc trồng lâu sẽ hóa gỗ, phần rễ phình to thường được gọi là củ rất có giá trị.

Tuổi thọ cây có thể lên đến hàng chục năm, khả năng chịu hạn, chịu bóng râm tốt nhưng chịu ngập úng kém. Có thể trồng khắp các vùng miền trên khắp cả nước, tuy nhiên nếu có như cầu thu hoạch củ thì nên trồng trên đất pha cát, đất thoáng, hoặc đắp mô cao hơn khi trồng.

Cách chọn giống đinh lăng – phân biệt các loại đinh lăng

phan-loai-giong-dinh-lang

Các loại giống đinh lăng

Theo thông tin từ trang web Wikipedia, chi đinh lăng có hơn 40 loài khác nhau, được phân biệt dựa vào đặc điểm hình thái của cây (rễ, thân, đặc biệt là lá). Ở Việt Nam, giống đinh lăng thường gặp là giống đinh lăng nếp (đinh lăng lá nhỏ), đinh lăng tẻ (đinh lăng lá to), đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá bạc, đinh lăng lá kim (lá nhuyễn)…

Chuẩn bị đất trồng đinh lăng

ky-thuat-trong-dinh-lang

Lựa chọn đất trồng cho cây đinh lăng

Cây đinh lăng là cây thích nghi rộng, có thể trồng đinh lăng ở nhiều loại đất và khí hậu khác nhau, cây chịu hạn tốt, chịu bóng râm tốt nhưng khả năng chịu ngập úng kém, do đó đất trồng đinh lăng cần thoát nước tốt, ít ngập úng, và đảm bảo tầng canh tác tối thiểu 0,5 – 1m. Trồng ở vùng cao thì nên đào hố, trồng ở vùng trũng thì nên đắp mô. Vừa tiện cho việc chăm sóc vừa hạn chế được ngập úng.

- Làm luống đắp mô trồng đinh lăng: Ở vùng trũng, đồng bằng, sau khi đã dọn đất bằng phẳng, thu dọnh cỏ rác, rễ cây. Bà con sử dụng máy cày để làm cho đất thật tơi xốp, sau đó vun luống cao 20-40cm. Rộng 50-80cm.

- Ở vùng đồi núi: Thay vì đắp mô thì bà con nên đào hố để trồng đinh lăng, mỗi hố cần đạt kích thước 40x40x40cm, hoặc sâu 50cm rộng 1m, bên dưới nên lóp nilon, tấm nhựa PE để tiện cho việc thu hoạch củ sau này.

- Mỗi hecta trồng đinh lăng thì bón lót 10-15 tấn phân chuồng + 400-500kg phân NPK (dùng loại có tỷ lệ N, P cao, ít K) + 50-100kg super lân và rải đều cày xới cho kỹ. Tiếp theo vun thành luống. Trường hợp trồng bằng cách đào hố, thì chia đều lượng phân kể trên cho số lượng hố.

- Việc chuẩn bị hố trồng, luống trồng cây đinh lăng phải tiến hành trước thời điểm xuống giống ít nhất là 15 ngày để bảo đảm đất ổn định, hệ vi sinh phát triển đầy đủ, cây trồng sẽ tránh bị chết nhiều và sinh trưởng khỏe mạnh nhất.

Thời vụ trồng và mật độ trồng đinh lăng

trong-va-cham-soc-cay-dinh-lang

Trồng và chăm sóc cây đinh lăng

Đinh lăng có thể trồng được quanh năm nếu bảo đảm được nước tưới, tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất vẫn là vào giai đoạn đầu mùa mưa, cuối mùa khô. (Tháng 4-5 DL). Cây giống đinh lăng nên được ươm trong bầu ươm hoặc vùi cát trong khoảng từ 2-3 tháng cho thật nhiều rễ, khi trồng tỷ lệ sống sẽ cao và cây con sinh trưởng mạnh hơn.

Mật độ trồng trung bình khoảng 40.000 – 50.000 cây/ha. Tương đương với khoảng cách 40x50cm hoặc 50x50cm.

Cách trồng đinh lăng

Khi trồng cây dùng tay xé nhẹ lớp nilon bầu ươm, hoặc nhổ cây khỏi bãi ươm đảm bảo cây không bị đứt rễ. Đặt cây con vào chính giữa hố trồng hoặc luống đất (đã khơi hố). Miệng bầu  phải ngang bằng mặt đất xung quanh, nén nhẹ lớp đất quanh gốc đồng thời vun gốc cao hơn so với xung quanh để tránh đọng nước nơi gốc cây.

Trường hợp trồng trong hố lớn (hố 1m sâu 0,5m có lót nilon) thì trồng 3-4 cây/hố, cách đều nhau 30-40cm.

Sau khi trồng xong cần tiến hành tưới nước ngay, trồng trong mùa khô nên kết hợp phủ gốc bằng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo.. để giữ ẩm.

Chăm sóc đinh lăng

cham-soc-cay-dinh-lang

Chăm sóc cây đinh lăng

Tưới nước: do khả năng chịu hạn, nên khi cây còn nhỏ bộ rễ còn nông cần thường xuyên cung cấp đủ nước cho cây (khoảng 6 tháng đầu tiên). Khi cây đã đủ lớn (chiều cao từ 0,5m trở lên) thì tưới nước tùy theo tình trạng cây. Khi tưới cây cần lưu ý tưới vừa đủ không tưới quá đẫm dễ gây ngập úng.

Làm cỏ: Mỗi năm nên tiến hành làm cỏ 4-5 lần, không để cỏ dại mọc quá rậm rạp, vừa cạnh tranh dinh dưỡng và không gian sinh trưởng của cây, vừa là nơi trú ngụ của sâu bệnh gây hại cho cây. Bên cạnh đó, để hạn chế cỏ dại, có thể trồng cỏ lạc xen giữa các hàng, giúp giữ ẩm và góp phần cải tạo đất.

Bón phân: Năm đầu tiên chủ yếu bón thúc cho cây bằng phân ure, mỗi hecta tầm 80kg. Chia thành 3-4 lần bón/năm. Đến cuối năm thứ 2 sau khi cắt tỉa cành thì bón thúc lần thứ 2 để cây nhanh đâm chồi mới. Từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi 2 năm bón bổ sung mỗi hecta 10 tấn phân chuồng (bón 1 lần) + 500-600kg NPK (bón thành 2-3 lần).

Cắt tỉa cành tạo tán: Từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9 sau khi trồng, cây sẽ đạt chiều cao 50-100cm. Khi đó tiến hành cắt ngang gốc cách mặt đất 20cm, sau đó nuôi khoảng 3-4 chồi khỏe mạnh. Đến cuối năm thứ 2 bắt đầu hãm ngọn lần 2, tương tự như lần đầu tiên. Phần thân cành dư ra sau khi hãm ngọn, có thể dùng nhân giống hay cung cấp cho các vườn ươm cây giống để cải thiện thu nhập.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây đinh lăng

Giai đoạn cây con trong vườn ươm: Cần che chắn bằng bạt nilon trong, và hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của nước mưa, do cây bị nước mưa sẽ bị rũ lá, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Định kỳ 2-3 tuần nên tiến hành phun thuốc trị nấm như Ridomil Gold, Aliette, COC85 để phòng trừ nấm bệnh, đồng thời kết hợp với các thuốc trị côn trùng như Basudin, Furadan…

Giai đoạn năm đầu tiên: Khi trồng cây ra đồng ruộng, cây đinh lăng có khả năng sẽ bị các loài sâu bọ như rầy mềm, rệp sáp, sâu ăn lá,… có thể phòng trừ bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn. Phun định kỳ 1-2 tháng/lần. Bên cạnh đó nên kết hợp với các thuốc trừ sâu dạng bột, khơi nhẹ quanh gốc để hạn chế côn trùng hại rễ như dế, ấu trùng ve sầu…

Các năm về sau: Giai đoạn cây đã khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh, chỉ cần tưới nước và bón phân đầy đủ là cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Thu hoạch chế biến và bảo quản đinh lăng

thu-hoach-cu-dinh-lang

Thu hoạch và chế biến cây đinh lăng

- Lá đinh lăng: Có thể sử dụng để cung cấp cho các đơn vị chuyên sản xuất thuốc, bán tươi hoặc khô. Nếu bán khô cần phải rửa sạch, sau đó phơi mát (phơi gió trong bóng râm, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng vì sẽ làm giảm tác dụng của lá).

- Thân và cành đinh lăng: Năm đầu tiên và cuối năm thứ 2 chính là thời điểm tốt nhất để tiến hành hãm ngọn cho đinh lăng, phần thân cành dư ra, bà con có thể sử dụng cho mục đích nhân giống mở rộng diện tích hoặc bán lại cho các cơ sở ươm cây giống.

- Củ đinh lăng: Năm thứ 3 trở đi có thể bắt đầu thu hoạch củ đinh lăng, tuy nhiên củ từ 5 năm trở lên sẽ cho to hơn và có giá trị hơn. Khi thu hoạch phải cẩn thận nhẹ nhàng đào toàn bộ hệ thống rễ, cắt bỏ các rễ nhỏ và rửa sạch, bán tươi hoặc phơi khô tùy theo nhu cầu của khách.

Như vậy là bà con đã tìm hiểu xong về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng hiệu quả. Hi vọng bà con sẽ áp dụng thành công cho vườn trồng nhà mình, và từ đó đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: