KỸ THUẬT PHỤC HỒI, CHĂM SÓC SẦU RIÊNG SAU THU HOẠCH

KỸ THUẬT PHỤC HỒI, CHĂM SÓC SẦU RIÊNG SAU THU HOẠCH
Monday,
23/05/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Cũng giống như nhiều loại cây ăn quả khác, sầu riêng cũng bị suy yếu sau mỗi vụ thu hoạch. Vì thế, các nông hộ trồng sầu riêng cần áp dụng kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch để bổ sung kịp thời cho cây chất dinh dưỡng nhằm chuẩn bị tốt cho mùa vụ tiếp theo.

Những nguyên nhân làm cây sầu riêng suy kiệt sau thu hoạch

+ Nâng cao hiệu quả kinh tế: Nhiều nông hộ trồng sầu riêng mong muốn cây cho thu hoạch trái vụ để thu lợi nhuận cao nên đã lạm dụng chất kích thích để cây ra hoa trái vụ mà không quan tâm đến tình trạng cây như thế nào dẫn đến cây mất sức trầm trọng, thậm chí có cây bị chết.

+ Xiết nước trong giai đoạn kích thích ra hoa: Để cây ra hoa tạo quả đạt yêu cầu, ở nhiều vườn cây, bà con đã tiến hành xiết nước kết hợp với che đất bằng màng nilon. Đến khi gặp mưa nhiều, bà con lại tiếp tục xiết nước. Việc làm này cứ lập đi lập lại trong một thời gian dài sẽ làm cho cây dần suy yếu, kiệt sức, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển sau này.

+ Sử dụng hóa chất quá liều: Do bà con chỉ quan tâm đến năng suất của mùa thu hoạch trước mắt dẫn đến việc lạm dụng phân bón nhằm kích thích cây phát triển. Ngoài ra, trong quá trình tạo quả, để tránh tình trạng cây ra đọt non khiến quả rụng hay quả bị sượng, nhiều nhà vườn đã tiếp tục dùng phân bón hóa học liên tục không theo liều lượng cho phép dẫn đến cây bị ngộ độc, không thể sinh trưởng và phát triển như bình thường được nữa.

+ Để lại nhiều quả trên cùng một cây: Trong quá trình cây ra hoa và tạo quả, việc tỉa hoa và tỉa quả là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng quả và sự phát triển bền vững của cây. Tuy nhiên, có nhiều nhà vườn thấy cây sai quả thì tiếc không dám tỉa bớt quả dẫn đến cây mất nhiều chất dinh dưỡng để nuôi quả, từ đó cây suy yếu và giảm sức sống đáng kể.

+ Nhiễm mặn vào mùa khô: Trong những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long diễn ra ngày càng nhiều. Khi độ mặn tăng cao kết hợp với hạn hán làm thiếu nguồn nước ngọt để tưới cho cây sầu riêng. Sự nhiễm mặn sẽ khiến rễ cây kém phát triển, việc hấp thu chất dinh dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn.

Quy trình phục hồi – chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch

Đối với sầu riêng sau thu hoạch, bà con cần được chăm bón kịp thời để cây phục hồi, đây là bước không thể thiếu giúp cây khỏe và duy trì xanh tốt, chuẩn bị cho mùa vụ kế tiếp. Quy trình kỹ thuật chăm cây sau thu hoạch như sau:

- Xới mô, kích rễ

Xoi-mo-kich-re-sau-rieng

Xới mô, kích rễ sầu riêng

Ngay sau khi thu hoạch xong, bà con cần tiến hành xới mô và kích rễ cho cây. Bà con dùng cuốc hoặc chỉa 3 răng xới xáo đất, phạm vi từ 1/2 – 2/3 tán cây trở ra ngoài (tính từ gốc ra), tán đến đâu thì xới đến đó. Độ sâu khoảng 5-10cm lớp bề mặt. Đây là cách giúp cải tạo đất, làm cho đất được tơi xốp và thông thoáng, bỏ rễ cũ tái tạo lại rễ mới. Từ đó, cây hấp thụ phân bón tốt hơn.

- Bón phân

Sau khi tỉa cành và tạo tán cho cây sầu riêng xong, bà con tiếp tục chăm sóc và bón phân cho cây để cung cấp thêm lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây sau một mùa thu hoạch. Loại phân có thể sử dụng cho giai đoạn này là phân vô cơ kết hợp với phân hữu cơ vi sinh.

Phân hữu cơ

Thông thường, việc thu hoạch sầu riêng không phải chỉ thu 1 lần là xong, mà thường chia ra làm nhiều lần, mỗi lần cắt trái cây bị thất thoát, mất dinh dưỡng đi rất nhiều, chưa kể mỗi lần cắt sẽ tạo vết thương làm cây bị sốc. Vì vậy, bà con cần bón phân hữu cơ lại sớm cho cây nhằm giúp cây phục hồi, duy trì sức khỏe và độ xanh tốt.

+ Thời điểm bón: khoảng 7-10 ngày trước khi thu hoạch lần cuối cùng.

+ Các loại phân hữu cơ bao gồm phân chuồng và phân hữu cơ công nghiệp

+ Cách bón: Do trong thời gian này, cây vẫn còn đang nuôi trái, nên bà con cần tránh tác động đến rễ. Khi bón, bà con chỉ cần rãi phân lên trên bề mặt, rãi đều vào khu vực 1/3 – 2/3 tán cây.

Phân vô cơ

Lượng phân vô cơ mà bà con sử dụng cho giai đoạn này nên có hàm lượng Đạm và Lân cao, giảm lượng Kali ít lại khoảng 2-3kg/ gốc tùy theo độ tuổi của cây.

- Xử lý nấm bệnh

+ Thời điểm xử lý: Sau khi xới mô xong, bà con tiến hành xịt thuốc bệnh trên lá và tưới thuốc bệnh dưới gốc liền cho cây, ưu tiên thực hiện sớm vì những lý do sau:

+ Thứ nhất: Trong thời kỳ này cây mang trái thì sức đề kháng cây kém nên cây dễ bị nấm hại hay rong rêu tấn công.

+ Thứ 2: Trong quá trình thu hoạch, việc leo lên cây để cắt trái đã vô tình mang mầm bệnh từ dưới đất lên cây hoặc từ cây này qua cây khác, việc cắt trái cũng đã tạo vết thương ở cuống.

+ Thứ 3: Khi xới xáo mô, bà con cũng đã gây ra những tổn thương dưới rễ, nếu để lâu sẽ tạo điều kiện cho nấm mới tấn công, nấm bệnh cũ sẽ lây lan ra nhiều hơn, tốn công xử lý.

+ Các loại thuốc xử lý: Bà con nên sử dụng thuốc trừ nấm bệnh gốc đồng

+ Cách xử lý: Bà con phun thuốc ướt đều toàn cây, ướt hai mặt lá, thân, cành, đặc biệt phun kỹ vào các ngách thân, mặt dưới của cành, đồng thời tưới thuốc bệnh dưới gốc. Nếu tình trạng cây khỏe, ít bệnh thì xịt ngừa 1 lần là được, nếu cây bị rong rêu, bệnh nặng thì 5-7 ngày sau xịt lại lần 2.

Lưu ý: Nếu bà con rửa vườn không kỹ, nấm hại có thể ẩn nấp và là nguồn bênh tấn công lên bông, trái, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả sau này.

- Cách tỉa cành sầu riêng sau thu hoạch

Tia-canh-tao-tan-cho-sau-rieng-sau-thu-hoach

Tỉa cành, tạo tán cho sầu riêng sau thu hoạch

Tỉa cành sau thu hoạch là biện pháp hữu hiệu không chỉ giúp vườn cây trở nên thông thoáng, hạn chế mầm bệnh hại cây mà còn giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt. Từ đó, cây sầu riêng dễ dàng phục hồi và ổn định, đảm bảo năng suất cho mùa vụ mới. Việc tỉa cành cần được thực hiện như sau:

+ Bà con nên cắt tỉa những cuống trái còn sót lại trên thân.

+ Loại bỏ những cành đã già yếu, những cành bị sâu bệnh cũng như cắt tỉa những cành vượt che khuất ánh sáng cho cây.

+ Bà con cũng cần tỉa bớt những cành mọc đứng hoặc mọc ngược vào bên trong tán, những cành nằm cách mặt đất thấp hơn 1m vì những cành này thường dễ bị sâu bệnh tấn công.

+ Sau khi cắt tỉa xong, bà con cần dọn vệ sinh xung quanh vườn để hạn chế các mầm bệnh còn tồn tại trong vườn.

+ Tiếp đến, bà con dùng vôi bột pha nước quét xung quanh thân chính cây sầu riêng từ mặt đất lên khoảng 1m để phòng trừ sâu bệnh hại cây.

- Quản lý nước

Để cây sầu riêng có thể phục hồi nhanh chóng, bà con phải đảm bảo tưới đủ nước trong mùa khô, đồng thời lưu ý thoát nước tốt trong mùa mưa, nhầm tránh trường hợp cây bị ngập úng. Bởi khi bị ngập úng, nấm bệnh trong đất phát triển và tấn công bộ rễ, làm rễ dễ bị thối.

Lượng nước tưới đầy đủ và hợp lý không chỉ làm cây tươi tốt mà còn tăng khả năng vận chuyển và hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó cây sẽ nhanh chóng hồi phục hơn.

- Tiến hành làm cơi lá đợt 1

+ Sau khi tưới thuốc bệnh 3-5 ngày, bà con cần tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng các dòng phân NPK có hàm lượng lân, đạm cao như: DAP, hoặc các dòng hữu cơ kích rễ mạnh như: Phân gà hữu cơ 3-5kg tùy theo tuổi của cây,...

+ Khi ra cơi đọt non: Bà con phun thuốc trừ rầy rệp kết hợp vi lượng và phân bón lá bổ sung. Bà con nên phun 3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

Coi-dot-sau-rieng

Cơi đọt sầu riêng

+ Sau đó, bà con tiếp tục chăm theo chu trình chăm dưỡng bình thường của cây.

+ Việc thực hiện tốt các bước trên sẽ giúp cho cây mau chóng phục hồi, giúp chuẩn bị tốt cho một mùa ra hoa và đậu quả vụ tiếp theo.

Như vậy việc chăm sóc sầu riêng nhằm giúp cây phục hồi tốt sau mỗi vụ thu hoạch là rất quan trọng để chuẩn bị cho một mùa ra hoa và đậu quả tiếp theo. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng cần nắm chắc kỹ thuật tỉa hoa và tỉa quả cho sầu riêng để cây đậu trái tốt, nuôi trái khỏe mà không bị mất sức. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu.

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: