-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC BƯỞI THỜI KÌ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Monday,
09/08/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Cây bưởi còn có tên tiếng Anh là Pomelo thuộc chi Cam Chanh, quả thường có màu xanh lục nhạt khi non và khi chín chuyển sang vàng. Bưởi có nhiều kích thước khách nhau tùy vào loại giống. Là một trong số cây ăn trái dễ trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên cần lưu ý giai đoạn chăm sóc bưởi thời kì kiến thiết cơ bản để cây trồng sinh trưởng tốt nhất.
Lựa chọn đất trồng
Bưởi có thể thích hợp để trồng trên nhiều loại đất
Bưởi có thể thích hợp để trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ loại đất thịt nhẹ đến đất thịt nặng trung bình. Tuy nhiên để thu được năng suất cao cần phải chọn đất sâu trên 1m, giàu mùn từ (2 - 2,5%) và chât hữu cơ, các chất dinh dưỡng: N từ 0,1 - 0,15%, P2O5: từ 5 -7 mg/ 100g đất. K2O: 7 - 10mg/100g đất, Ca, Mg: 3 - 4mg/ 100g đất; thoát nước tốt. Không nên trồng bưởi trên pH<5, đất pha cát.
Chọn giống bưởi để trồng thời kì kiến thiết cơ bản
- Nguồn gốc: chọn cây giống phải được nhân ra từ cây mẹ đầu dòng tuyển chọn và phải đạt tiêu chuẩn cây giống.
- Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống phải được tiến hành sản xuất bằng phương pháp chiết cành và phải có thời gian gơ lại trong túi bầu PE, kích thước: cao x đường kính = 35x15 cm. Phải được chăm sóc đặc biệt trong vườn ươm trong khoảng từ 4 - 6 tháng, có bộ rễ đã hoá nâu và từ cấp 3 - 4 trở lên, có 2 - 3 cành cấp 1, đường kính của các cành từ 1,0 - 1,5 cm với bộ lá xanh khoẻ, không sâu bệnh, dài từ 50cm trở lên.
Chuẩn bị đất trồng cho cây bưởi
Cần tiến hành phát quang làm cỏ trước khi trồng bưởi
* Phát quang làm cỏ
Trước khi thiết kế đất trồng bưởi, đất phải được phát quang và làm sạch cỏ. Đối với đất bằng nên cày sâu 25 - 30 cm sau đó bừa san phẳng và làm sạch cỏ. Những đồi có độ dốc thấp có thể cày, bừa làm sạch cỏ như ở đất bằng, còn những đồi có độ dốc lớn tạo mặt bằng theo đường đồng mức.
* Mật độ và khoảng cách khi trồng
Khoảng cách trồng bưởi phù hợp với bưởi Da Xanh: 5m x 5m tương đương với mật độ là 400 cây/ha; bưởi Diễn là: 4m x 5m hoặc 5m x 5m: Bưởi đường Xuân Vân là 5m x 6m hoặc 6m x 6m.
* Đào hố và bón lót phân
- Với đất bằng, phù sa ven sông cần tiến hành đào hố với kích thước: dài x rộng x sâu = 0,8m x 0,8m x 0,6m. Với đất đồi cần đào hố tương ứng với kích thước là 1,0m x 1,0m x 1,0m.
- Bón lót:
+ Lượng phân thích hợp để bón lót cho một hố là 30 - 50kg phân chuồng hoai mục, 1,0 -1,5kg supe lân, 1,0 - 1,5kg vôi bột.
+ Khi đào cần để lớp đất mặt một bên, lớp đất đáy hố một bên, lớp đất mặt trộn đều với toàn bộ lượng phân bón lót và lấp đến miệng hố, lớp đất dưới đáy hố cào thành vồng xung quanh hố.
Toàn bộ công việc trên phải được tiến hành trước khi trồng một tháng.
Kỹ thuật trồng bưởi
Kỹ thuật trồng bưởi thời kì kiến thiết cơ bản
* Thời vụ trồng: Thời vụ thích hợp để trồng bưởi là vào vụ xuân tháng 2 - 3 và vụ thu tháng 8 - 9.
* Cách trồng: Đào một lỗ nhỏ chính giữa hố, sau đó đặt bầu cây giống đã lột bỏ túi PE vào lỗ đảm bảo cổ rễ cao hơn mặt đất 3 - 5cm. Lấp đất đầy và dùng tay nén chặt xung quanh bầu, cây trồng phải trong tình trạng thẳng đứng. Cắm cọc chéo và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh tường hợp gió lay đứt rễ. Tưới nước ngay sau khi trồng để làm chặt gốc và giữ ẩm (khoảng 15 - 20 lít nước/cây). Phủ rơm rạ hoặc cỏ khô xung quanh gốc (rộng hết mặt hố, dày 4 - 5cm).
Chăm sóc sau khi trồng
* Trồng dặm và tiến hành trồng xen
- Năm đầu phải tiến hành kiểm tra, trồng dặm các cây bị chết, cây sinh trưởng kém.
- Ở thời kỳ khi cây chưa mang quả nên trồng xen các loại cây như: lạc, gừng và các loại cây họ đậu để giúp cải tạo đất, tăng độ phì cho đất, chống xói mòn, rửa trôi trên đất đồi dốc, hạn chế cỏ dại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Khi cây trồng xen cần phải lưu ý trồng cách gốc từ 1m trở lên để không cạnh tranh ánh sáng, nước và dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển bình thường của cây bưởi.
- Dùng cỏ khô, rơm rạ ủ xung quanh gốc cây, cách gốc 20 - 30 cm để tạo cho vùng rễ cây thường xuyên được giữ ẩm và hạn chế được cỏ dại, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh vật có lợi trong đất hoạt động.
* Làm cỏ, tưới nước
Tiến hành tưới nước cho cây trồng
- Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc, tránh làm xây sát vào bộ rễ và gốc cây vỡ khi đó rất dễ khiến cho các loại nấm, vi khuẩn,... gây bệnh xâm nhập vào cây.
- Tưới nước: Thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi.
- Tưới nước cho cây cần căn cứ vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cũng như điều kiện địa hình khu vực như tính chất đất đai (là đất sét, thịt hay pha cát). Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến các biện pháp chăm sóc cây vào mùa khô hạn, hay thời tiết xấu.
* Bón phân
- Để phát huy hết hiệu lực của phân bón, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý nhất, chúng ta phải dựa trên cơ sở sau đây:
+ Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng cần cung cấp cho cây.
+ Căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng có trong đất trồng.
- Thông thường chỉ cần nhìn cây sinh trưởng, chúng ta có thể nhận biết được khi nào nên bón phân hay chưa nên bón phân. Ví dụ: Khi thấy cây xum xuê, tán lá xanh, lá dày, các đợt lộc ra nhiều, tốc độ chuyển màu nhanh, cành dài, dấu hiệu như thế có thể coi là đủ dinh dưỡng. Còn trường hợp thấy cây vàng lá (gân và phiến lá đều vàng), lá nhỏ, mỏng, cành lộc ngắn, thưa tán cây xơ xác, là biểu hiện của những cây đói ăn, cần phải cung cấp thêm dinh dưỡng kịp thời.
* Liều lượng bón phân cho cây bưởi phù hợp
Bón phân cho bưởi cần căn cứ theo tuổi của cây. Đối với cây từ 1- 3 năm sau khi trồng (cây chưa có quả - giai đoạn kiến thiết cơ bản). Mỗi năm thực hiện bón 4 lần vào các tháng: tháng 2, tháng 5 tháng 8 và tháng 11.
* Thời kỳ bón
Trong ba năm đầu giai đoạn chăm sóc bưởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, lượng phân bón thúc được chia ra thành 4 lần trong năm (Tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 11)
+ Đợt bón tháng 2: Bón 100% phân hữu cơ + 40% đạm + 40% kali
+ Đợt bón tháng 5: 30% đạm + 30% kali
+ Đợt bón tháng 8: 30% đạm + 30% kali
+ Đợt bón tháng 11: 100% lân + 100% vôi
* Cách bón
Đào rãnh sâu xung quanh mép tán từ 15 - 20 cm. Trộn đều phân với đất trong rãnh đã đào sau đó lấp kín. Nếu trời không mưa cần tiến hành tưới nước sau mỗi lần bón. Riêng phần đạm và kali còn có thể bón bằng cách hoà tan phân trong nước rồi tưới xung quanh mép tán cây và nên thực hiện vào lúc trời mát.
* Cắt tỉa, tạo tán cho cây
- Công đoạn cắt tỉa cây bưởi trong thời kỳ kiến thiết cơ bản : Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng. Để có được dạng hình hợp lý (hình bán cầu), cần thực hiện theo các bước sau:
Tạo cành cấp 1: Khi cây con đạt chiều cao từ 45 - 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1.
Tạo cành cấp 2: Khi cành cấp 1 đạt độ dài từ 25 - 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2.
Tạo cành cấp 3: Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau.
* Phòng trừ sâu, bệnh
Chú ý phòng trừ các loại bệnh loét, nhện đỏ, rệp, sâu ăn lá và đặc biệt là sâu vẽ bùa cho cây bưởi.
Trên đây là bài viết nhằm cung cấp đến bà con kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc bưởi thời kỳ kiến thiết cơ bản. Hi vọng có thể giúp bà con trang bị đầy đủ kiến thức để áp dụng cho mùa vụ tới đạt năng suất cao hơn.
Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất