-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
LƯU Ý KHI HÃM NƯỚC CHO HỒ TIÊU GIAI ĐOẠN CÂY PHÂN HÓA MẦM HOA
Sunday,
01/05/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Đây là loại cây trồng có tính kinh tế cao. Là cây công nghiệp lâu năm, cây hồ tiêu đòi hỏi điều kiện canh tác và kỹ thuật trồng tương đối nghiêm ngặt, đặc biệt là giai đoạn ra hoa và đậu quả.
Sau khi thu hoạch, cây hồ tiêu cần thời gian khô hạn nhất định để phân hóa mầm hoa và chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa đậu quả khi mùa mưa đến.
Cây hồ tiêu giai đoạn phân hóa mầm hoa
Trong điều kiện khô hạn phù hợp, cây hồ tiêu sẽ phân hóa mầm hoa tốt, sức khỏe của cây vẫn bình thường, khi những cơn mưa đầu mùa đến thì cây bung cựa, ra hoa và đậu quả tốt, có triển vọng cho năng suất cao.
Ngược lại, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, chẳng hạn như sau khi thu hoạch, gặp nắng nóng kéo dài làm cho độ ẩm đất và không khí quá thấp, trong khoảng 20% và 40 – 45% mà bà con không tưới nước bổ sung hợp lý cho cây hồ tiêu để duy trì độ ẩm đất và độ ẩm không khí ở mức khô hạn phù hợp thì cây hồ tiêu bị mất sức trầm trọng, bộ rễ bị tổn thương, cây bị vàng lá, thậm chí rụng lá, khả năng phân hóa mầm hoa kém, làm ảnh hưởng đến năng suất sau này.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, khi mùa mưa đến, tốc độ hồi phục sinh trưởng của cây hồ tiêu vẫn rất chậm, làm ảnh hưởng đến khả năng bung cựa của cây, dẫn đến cây ra hoa đậu quả kém, gié ngắn, quả thưa nên năng suất sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân; từ đó dẫn đến hệ lụy là sản xuất hồ tiêu thiếu tính bền vững.
Mùa khô năm 2019 – 2020 ở Tây Nguyên vừa qua rất khốc liệt, khốc liệt hơn hẳn so với nhiều năm trước, cụ thể là thời tiết nắng và khô từ tháng 12/2019 đến đầu tháng 5 năm 2020, là do tác động của biến đổi khí hậu; nhiệt độ cao, trong nhiều ngày nhiệt độ không khí bình quân từ 37 – 39oC mà không có mưa, độ ẩm không khí rất thấp, khoảng 40 - 45%, nên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sức chống chịu của cây hồ tiêu.
Tại Đăk Nông và Đăk Lăk, ở nhiều vườn tiêu, do nông dân chưa hiểu hết bản chất của vấn đề hãm nước cho vườn hồ tiêu nên trong mùa khô năm 2019 – 2020, người dân vẫn giữ nguyên trạng thái vườn tiêu sau thu hoạch, cụ thể người dân chỉ tưới 1 hoặc 2 lần vào đầu mùa khô, hoặc không tưới cho đến thời điểm đầu tháng 5/2020.
Từ đó các vườn tiêu này đã bị mất sức sinh trưởng, lá vàng, héo và rụng, làm cho cây khó phun cựa hoặc có phun cựa nhưng lác đác, gié ngắn mặc dù có nơi đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa như ở Đăk Song và Đăk R’lấp.
Trong khi đó ở nhiều vườn tiêu, nông dân đã áp dụng giải pháp tưới hợp lý trong mùa khô, đặc biệt là giai đoạn các tháng cuối mùa khô, người dân tưới tiết kiệm với lượng nước từ 70 – 80 lít/trụ kết hợp với bón phân NPK 16-16-8 hoặc 20-10-10 hoặc các loại phân khác có hàm lượng đạm, lân cao và kali thấp cho cây hồ tiêu. Bằng cách này đã giúp cho vườn tiêu sinh trưởng, phát triển bình thường, và khi những cơn mưa đầu mùa đến có độ ẩm đất và không khí phù hợp thì cây hồ tiêu sinh trưởng tốt hơn với biểu hiện như lá chuyển màu xanh, hình thành lá non và phun cựa khá đồng loạt, gié dài, triển vọng cho năng suất cao.
Bà con cần chú ý về đặc điểm sinh lý của cây hồ tiêu là giai đoạn sau thu hoạch, cây cần phải có thời gian hãm nước hợp lý để giúp phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả tốt khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện khí hậu thời tiết bất thuận do tác động của biến đổi khí hậu, bà con nông dân cần lưu ý các vấn đề sau:
Bà con cần theo dõi sự biến động của thời tiết trong giai đoạn hãm nước, đặc biệt là nhiệt độ, độ ẩm không khí để có những giải pháp kỹ thuật thích ứng phù hợp, nhằm đảm bảo cho cây hồ tiêu phân hóa mầm hoa tốt.
Cây hồ tiêu đậu quả tốt
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng rõ với quy mô ngày càng rộng và mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng dày hơn, trong đó có hiện tượng khô hạn xảy ra khá thường xuyên không theo quy luật tự nhiên so với những năm 2010 trở về trước.
Theo đó, mùa khô ở Tây Nguyên có xu hướng kéo dài hơn, nhiệt độ cao hơn, nắng nóng nghiêm trọng hơn, độ ẩm không khí thấp và thiếu nguồn nước tưới. Như vậy, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hồ tiêu nói riêng ở đây đang đối mặt với nguy cơ thiếu tính bền vững nếu như không có những giải pháp kỹ thuật thích ứng để hạn chế rủi ro này trong quá trình sản xuất.
Trường hợp điều kiện thời tiết bình thường theo quy luật tự nhiên thì sau thu hoạch khoảng từ 7 – 10 ngày, bà con cần tưới nước 1 đợt, kết hợp bón phân đạm và lân hoặc phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao với lượng khoảng 80 – 100 g/cây để giúp cây tiêu hồi phục sau thu hoạch; chuẩn bị phân hóa mầm hoa và tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận.
Lượng nước tưới trung bình bà con cần tưới là khoảng 100 – 150 lít/cây, nếu bà con tưới trực tiếp, hoặc từ 80 – 100 lít/cây nếu bà con tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt.
Chu kỳ tưới khoảng 25 – 30 ngày để đảm bảo cho cây có thời gian hãm nước. Các lần sau, lượng nước bà con tưới cho cây ít hơn so với lần 1 từ 20 – 30%.
Bà con có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới ở những vườn có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt. Khi bón phân qua hệ thống tưới, bà con lưu ý lượng phân bón giảm từ 30 – 40% so với bón trực tiếp vào đất.
Nếu điều kiện thời tiết bất thuận, chẳng hạn như thời gian nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí cao như đã xảy ra trong mùa khô năm 2019 – 2020, bà con cần phải tưới nước bổ sung cho cây hồ tiêu vào giai đoạn cuối mùa khô với chu kỳ ngắn hơn, khoảng 15 – 20 ngày/lần và kết hợp bón thêm phân đạm và lân hoặc phân NPK chứa đạm và lân cao; lượng bón từ 50 – 60 g/cây trong trường hợp tưới trực tiếp và 30 – 40 g/cây trong trường hợp bón phân qua hệ thống tưới. Lượng nước tưới cho hồ tiêu từ 80 – 100 lít/cây nếu tưới trực tiếp, hoặc 50 – 70 lít/cây nếu tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt.
Bà con không nên tưới nước với lượng quá nhiều và chu kỳ tưới ngắn. Bởi vì việc tưới nước nhiều lần cùng với lượng nước cao kết hợp với bón phân sẽ làm cho cây hồ tiêu không có đủ thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa, cây sẽ có ưu thế sinh trưởng dinh dưỡng (cây xanh tốt, sinh trưởng khỏe) nên ảnh hưởng đến ra hoa (hoa ít và nở không tập trung, chia làm nhiều đợt), từ đó dẫn đến ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tóm lại, để ứng phó với tác hại của điều kiện bất thuận trong mùa khô ở Tây Nguyên, bà con nông dân cần quan tâm theo dõi diễn biến thời tiết khí hậu trong giai đoạn hãm nước cho cây để có giải pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả bằng kỹ thuật quản lý tưới. Bà con cũng cần bón phân phù hợp nhằm giúp cho cây hồ tiêu sinh trưởng khỏe, chống chịu được với điều kiện khô hạn và phân hóa mầm hoa tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao khi mùa mưa đến. Bên cạnh đó, bà con cũng cần lưu ý phòng trừ dịch hại cây hồ tiêu khi thời tiết thay đổi thất thường để cây sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần đảm bảo sản xuất hồ tiêu bền vững.
Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất