NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ ỔI RỤNG HÀNG LOẠT

NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ ỔI RỤNG HÀNG LOẠT
Saturday,
23/04/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Cây ổi là loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà vườn hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng cây ổi gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại,… dẫn đến tình trạng ổi rụng hàng loạt. Xuất phát từ vấn đề trên, bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp phòng trừ ổi rụng hàng loạt nhé.

Có hai đối tượng mà bà con trồng ổi phải đặc biệt quan tâm đó là sâu đục quả và ruồi đục quả gây hại làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng quả và hiệu suất kinh tế. Tuy nhiên, ở nông hộ, công tác phòng trừ còn gặp nhiều khó khăn là do bà con vẫn còn chưa phân biệt được đâu là sâu đục quả và đâu là ruồi đục quả. Ðể giúp bà con trồng ổi biết cách phòng trừ các đối tượng gây hại nêu trên, chúng tôi sẽ chia sẽ kỹ hơn về đặc điểm, triệu chứng gây hại và cách phòng trừ sâu đục quả và ruồi đục quả trên ổi nhé:

Có thể nói hai đối tượng hại ổi và làm rụng quả hàng loạt chủ yếu có 2 loài là sâu đục quả và ruồi đục quả. Cách thức gây hại và đẻ trứng để duy trì nòi giống của chúng hoàn toàn khác nhau, do đó bà con cần phân biệt rõ để có biện pháp phòng trị đúng thì mới đạt được hiệu quả cao.

Cách phân biệt sâu đục quả với ruồi đục quả:

Sâu đục quả:

Sau-duc-qua

Sâu đục quả

- Sâu trưởng thành là một loài bướm nhỏ màu nâu. Khi bắt đầu tấn công quả ổi, con cái sẽ đẻ trứng rải rác ở gần cuống của những quả còn non, sau vài ngày trứng nở thành sâu non đục vỏ quả chui vào bên trong cắn ăn phần thịt quả.

- Sâu đục quả rất thích ăn phần hạt và những phần xung quanh hạt. Sau khi ăn thịt quả, chúng thải phân qua lỗ đục tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập và gây thối quả rất nhanh, ban đầu các lỗ đục có màu nâu sẫm, dần dần chuyển sang màu nâu đen làm ổi rụng hàng loạt.

- Khi bổ những quả bị sâu đục, bà con sẽ thấy có nhiều sâu non, khoảng 4-5 con/quả. Chúng có màu hồng hoặc hồng tím, đầu nhỏ màu nâu đen. Sâu thường gây hại từ khi quả còn non cho tới lúc thu hoạch. Sau khi tấn công vào quả ổi và đã ăn gần hết thịt quả, chúng lớn đẫy và sẽ tìm cách chui ra khỏi lỗ đục rồi buông mình rơi xuống đất để tìm các kẽ nứt dưới đất hoặc kẽ lá, gốc cây để hóa nhộng. Sau một thời gian nằm dưới đất, nhộng sẽ vũ hóa, lột xác để trở thành con trưởng thành, tìm con đực kết đôi và đẻ trứng để hoàn thành một vòng đời của nó.

Ruồi đục quả:

Ruồi đục quả

- Ruồi trưởng thành là một loài ruồi nhỏ hơn ruồi nhà (Dacus dorsalis). Quan sát bề ngoài, bà con sẽ thấy ruồi đục quả hơi giống con ong nhưng thân ngắn hơn, mình màu nâu vàng. Ruồi cái dùng râu để chọn những quả ổi sắp chín rồi quay đít cắm vòi để đẻ một ổ trứng ở sâu trong quả. Sau ít ngày trứng nở thành các sâu non hay còn gọi là dòi. Dòi có màu trắng ngà, không có chân, đục ăn phần thịt quả xung quanh ổ trứng.

- Càng lớn dòi càng ăn khỏe, ăn sâu vào giữa quả, kết hợp với sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm làm cho vết thối lan rộng ra dẫn đến quả bị rụng hàng loạt. Cũng như sâu đục quả, khi đã lớn đẫy sức, dòi sẽ chui ra khỏi quả thối, tìm kẽ nứt ở đất hoặc gốc cây để chui vào hóa nhộng và sau đó sẽ vũ hóa để trở thành con ruồi trưởng thành như bố mẹ chúng.

Bà con lưu ý: do lỗ chích đẻ trứng của ruồi nhỏ hơn nhiều so với lỗ đục của sâu đục quả. Do đó, bà con sẽ rất khó để phát hiện. Nhìn kỹ trên mặt vỏ quả bà con thấy có vết thâm, bóp nhẹ tay thấy chảy nước thì đúng là ruồi đục quả. Không chỉ gây hại cho ổi, ruồi đục quả còn gây hại trên nhiều loại quả khác nhau như: cam, quýt, táo, ổi v.v… và cũng chỉ bắt đầu gây hại từ khi quả bắt đầu chín cho tới khi thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ:

Để hạn chế thiệt hại, bà con cần áp dụng một số biện pháp tổng hợp sau đây:

- Bà con cần thu hoạch quả chín sớm hơn bình thường, không nên để quả chín lâu trên cây vì dễ hấp dẫn ruồi tìm đến quả đẻ trứng là do khi chín, quả có mùi thơm.

Thu-hoach-oi

Thu hoạch ổi

- Bà con cũng nên thu gom hết các quả rụng đem chôn sâu, rồi rắc vôi bột lên để diệt hết trứng, dòi và nhộng để tránh lây lan cho các lứa, vụ sau. Bà con vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa cho cây thông thoáng nhằm hạn chế nơi trú ngụ của bướm và ruồi trưởng thành.

- Bà con có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học để phun phòng. Tuy nhiên, bà con cần phun vào lúc trước khi sâu đục quả và ruồi đục quả đẻ trứng.

- Đối với sâu đục quả, bà con nên sử dụng một số loại thuốc trừ sâu như Regent 800 WG, Fastac 5EC, Dipterex 90 SP… pha nồng độ 0,2% (15-20cc/bình 8 lít) phun kỹ trên cành, cuống và quả khi quả còn non nhằm làm ung thối trứng mới đẻ hoặc sâu non trước khi chúng đục vào bên trong. Không phun thuốc khi quả đã lớn vì sâu đã đục vào bên trong nên không còn tác dụng diệt trừ nữa, đồng thời tránh gây ngộ độc cho người sử dụng.

- Đối với ruồi đục quả, bà con có thể dùng Basudin 10H, Regent 3G hoặc Furadan 3H rải xung quanh gốc cây để diệt nhộng còn nằm dưới đất chờ vũ hóa. Tiếp theo, bà con dùng thuốc Vizubon D, bẫy Pheromone để dẫn dụ và diệt ruồi đực nhằm hạn chế việc duy trì nòi giống của ruồi bởi vì khi ruồi cái đẻ trứng nhưng không được thụ tinh thì trứng không nở thành dòi gây hại được.

- Ngoài ra, bà con nên bao trái vì cách này có tác dụng hạn chế ruồi và sâu đục quả rất tốt, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Như vậy chúng tôi vừa chi sẽ đến bà con nông dân nguyên nhân ổi rụng và biện pháp phòng trừ. Để cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, giúp cây khỏe, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, bà con tham khảo thêm bài viết về Hướng dẫn dùng phân bón vi sinh đúng cách. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: 032.669.3970 Gọi đặt hàng 1: 0326.208.405
popup

Số lượng:

Tổng tiền: