PHÒNG TRỪ CÔN TRÙNG GÂY HẠI MĂNG CỤT TRONG MÙA NẮNG

PHÒNG TRỪ CÔN TRÙNG GÂY HẠI MĂNG CỤT TRONG MÙA NẮNG
Monday,
13/06/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Măng cụt là một trong những loại cây ăn quả có tuổi thọ cao, có thể sống 30 đến 40 năm. Cây càng lâu năm thì năng suất càng cao. Thông thường, cây măng cụt rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết thất thường và nắng nóng như hiện nay, cây thường bị các loại côn trùng gây hại như bọ trĩ, sâu xếp lá và sâu vẽ bùa gây hại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và mẫu mã của trái.

Khi các vườn măng cụt đang cho quả non mà gặp nắng nóng, cây sẽ bị bọ trĩ tấn công và gây hại. Loài bọ trĩ phổ biến trên cây măng cụt là bọ trĩ sọc đỏ. Bọ trĩ sọc đỏ trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 1-1,2mm, có màu nâu đen, cánh cũng màu nâu đen.

Bo-tri-hai-mang-cut-giai-doan-qua-non

Bọ trĩ hại măng cụt giai đoạn quả non

Bọ trĩ non có màu cam với một băng đỏ nơi đốt bụng. Bọ trĩ sọc đỏ có vòng đời khoảng 15-20 ngày. Thành trùng cái đẻ trứng trong mô lá non, sau khi đẻ xong, thành trùng tiết ra giọt dịch trên vị trí đẻ trứng để che nơi trứng đẻ. Thành trùng cái đẻ khoảng 50 trứng và sống khoảng 30 ngày.

Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá non, bông và trái non của cây măng cụt. Trên lá, bọ trĩ thường tập trung chích hút gần gân lá chính ở mặt dưới lá, chích hút nhựa làm lá bị hại có ánh màu bạc, biến vàng và cong lại. Trên trái non, bọ trĩ tập trung gây hại dưới lá đài, chích vào tế bào biểu bì để lại nhiều mãng sẹo màu xám trên vỏ trái, làm vỏ sần sùi, kém đẹp, giảm giá trị thương phẩm. Khi không được điều trị kịp thời, mật số bọ trĩ cao có thể gây hại trên cả trái lớn. Bọ trĩ thường phát triển mạnh trong mùa khô và nắng nóng. Đặc biệt, bọ trĩ thường tập trung gây hại ở tán lá trên cao.

Biện pháp phòng trừ

- Bà con dùng vòi phun nước mạnh lên tán lá có thể hạn chế mật độ bọ trĩ.

- Ngoài ra, bà con cũng nên thường xuyên thăm vườn, khi thấy trái non khoảng bằng trái tắc, tiến hành phun các loại thuốc như: Abatín 1.8EC, Chess 50WG, Dầu khoáng DS 98.8EC ….

Chú ý: Bọ trĩ rất mau kháng thuốc vì thế bà con nên sử dụng luân phiên thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài bọ trĩ, sâu xếp lá cũng phát triển và gây hại trên măng cụt. Sâu trưởng thành có màu vàng xám, trên cánh trước có những đường cong màu nâu. Khi đậu, cánh xếp lại tạo thành một đốm đen ngay phía dưới đầu và ngực. Sâu đẻ trứng thành từng ổ trên bề mặt lá. Sâu non sau khi nở dễ dàng di chuyển từ các lá trên chồi. Sâu non khi phát triển hoàn chỉnh dài khoảng 14 mm, đầu màu vàng nâu, cơ thể có màu xanh nhạt, các đốt trên cơ thể chúng hiện rõ, xung quanh thân có lông thưa. Khi sâu trưởng thành chúng nhả tơ, kết các lá non lại thành chùm và hóa nhộng bên trong. Nhộng có màu nâu nhạt.

Phong-tru-sau-benh-hai-mang-cut

Phòng trừ sâu bệnh hại măng cụt

Sâu non nhả tơ kết các lá đọt lại thành chùm. Trong một chùm lá đọt có thể có nhiều sâu non sống và gây hại các phiến lá do chúng kết lại, phân của chúng thải ra bị các tơ giữ lại xung quanh tổ của chúng, nên bà con rất dễ phát hiện đọt bị sâu gây hại. Sâu mới nở chỉ cạp biểu bì của lá. Tuổi đời càng lớn, mức độ phá hoại càng nhiều, ăn lủng lổ lá, từ đó làm giảm khả năng quang hợp của cây. Sâu gây hại nhẹ làm cho các phiến lá mới ra bị mất nhiều mảng, nhìn đọt non bà con thấy xơ xác. Nếu chúng gây hại sớm và mật số cao sẽ làm các đọt non bị hư, cây không phát triển cành tán được, vì thế năng suất sẽ giảm. Sâu xếp lá hiện diện gây hại quanh năm, mật số thường cao vào các đợt cây ra đọt non tập trung.

Ngoài các loài côn trùng gây hại trên, sâu vẽ bùa khá phổ biến ở giai đoạn măng cụt ra đọt non. Sâu trưởng thành hóa bướm rất nhỏ, thân hình mỏng mảnh, dài khoảng 2-2,5mm, toàn thân màu vàng nhạt, có ánh bạc, cánh trước có hình lá liễu, trên cánh có một số vệt màu nâu. Hình thái bên ngoài của thành trùng khá giống với sâu vẽ bùa trên nhóm cây có múi, tuy nhiên có sự khác biệt về vị trí đốm đen ở cuối cánh trước (thành trùng sâu vẽ bùa măng cụt có đốm đen nằm ngoài rìa cánh trước trong khi sâu vẽ bùa cây có múi thì đốm đen nằm trong rìa cánh trước). Trứng của chúng rất nhỏ, có hình bầu dục, sâu mới đẻ có màu trong suốt, sắp nở có màu vàng nhạt. Sâu non mới nở màu xanh nhạt, trong suốt, dài khoảng 0,4mm. Khi mới hoá nhộng có màu vàng nhạt, sau chuyển sang màu nâu.

Bướm ban ngày trú ngụ ở dưới mặt lá, chúng hoạt động mạnh vào lúc chiều tối, rất ít vào đèn. Bướm đẻ trứng rãi rác trên các đọt non (đọt còn màu nâu đỏ), có thể được đẻ hai bên mặt lá, nhưng thường ở mặt dưới và nằm dọc theo gân chính của lá. Sâu non ngay sau khi nở là bắt đầu gây hại, chúng đục thành đường hầm ngoằn ngoèo phía dưới biểu bì lá, ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục, để lại lớp biểu bì trắng bạc. Sâu ăn tới đâu thì bài tiết phân đến đó, vệt phân kéo dài như một sợi chỉ. Đường đục rộng dần và kéo dài theo tuổi sâu. Sâu sống tập trung ở mặt trên của lá. Sâu hóa nhộng gần rìa lá, dùng tơ gấp hai mép lá lại thành tổ kén. Một lá măng cụt có thể có nhiều sâu gây hại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tạo thành những đường trắng vòng vèo trên mặt lá. Lá bị sâu hại uốn cong và biến dạng, giảm khả năng quang hợp, bị khô và rụng sớm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Sâu gây hại rất sớm khi măng cụt vừa ra lá non. Có những vườn măng cụt bị sâu vẽ bùa gây hại tất cả các đọt non, trông cây rất xơ xác.

Sâu vẽ bùa phát sinh quanh năm và gây hại bất cứ lúc nào khi trên cây có đọt non. Để phòng trừ sâu xếp lá và sâu vẽ bùa, bà con nên thường xuyên thăm vườn theo dõi tình hình sinh trưởng của cây măng cụt, nhất là giai đoạn ra đọt non; bà con lưu ý tỉa cành cho vườn được thông thoáng; sử dụng thiên địch để phòng trừ côn trùng gây hại bằng cách bảo vệ và nhân nuôi những loài côn trùng có ích như ong, bọ rùa, kiến vàng trong vườn sẽ làm hạn chế được hai đối tượng sâu hại này.

Khi phát hiện cây bị sâu bệnh tấn công, bà con có thể bắt bằng tay ở những cành thấp; hoặc có thể sử dụng dầu khoáng, chế phẩm nấm xanh, thuốc trừ sâu vi sinh (Biocin, Dipel,…) hoặc các loại thuốc trừ sâu gốc Abamectin, Emamectin, chỉ cần phun trên các chồi non (không cần phun hết tán cây).

Chú ý: Khi trong vườn có kiến vàng, bà con nên chọn những loại thuốc ít độc với kiến và phun lúc chiều mát khi phần lớn kiến về tổ để bảo vệ đàn kiến vàng trong vườn. Bảo đảm đúng thời gian cách ly của thuốc.

Như vậy, việc phòng trừ các loại côn trùng gây hại măng cụt trong mùa nắng sẽ giúp cây cho năng suất cao, quả đẹp, làm tăng giá trị thương phẩm của quả và vì thế giá bán cũng tốt hơn.

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: