KIẾN THỨC CHUNG VỀ KỸ THUẬT THIẾT KẾ VƯỜN TRỒNG CÂY ĂN QUẢ

KIẾN THỨC CHUNG VỀ KỸ THUẬT THIẾT KẾ VƯỜN TRỒNG CÂY ĂN QUẢ
Monday,
02/08/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Để vườn trồng cây ăn quả cho được năng suất chất lượng cao, cũng như hạn chế được tác động của sâu bệnh hại. Khi thiết kế vườn bà con cần phải có kiến thức và hiểu biết đúng. Để giúp bà con trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật thiết kế vườn trồng cây ăn quả, hôm nay chúng tôi xin chia sẻ tới bà con qua bài viết dưới đây.

Thiết kế vườn

thiet-ke-vuon-trong-cay-an-qua

Thiết kế vườn cây ăn quả

  • Vườn trên đất dốc

– Nên thiết lập vườn ở nơi có đất phù sa ven sông, đất phù sa cổ, đất đồi Feralit đỏ hoặc Feralit vàng đỏ, đất thung lũng ở các vùng núi. Các loại đất này thường có kết cấu đất xốp và nhẹ với tầng bề mặt dầy trên 80 cm; thoát nước; mực nước ngầm dưới 1m; độ pH từ 5,5 – 6,5; độ dốc không vượt quá 20 – 250.

– Lập vườn trên đất dốc phải chống xói mòn bằng cách tạo các luống bậc thang rộng 3-5 m theo đường đồng mức. Các hàng cây phân bố theo hướng Bắc-Nam. Bố trí vườn cạnh hoặc gần nguồn nước để chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, nên chọn vị trí thuận lợi giao thông để tiện cho việc vận chuyển quả đến nơi tiêu thụ. Tránh các vùng hay xảy ra rét đậm, rét hại và sương giá.

Toàn bộ vườn trồng kín cỏ trừ tán cây xung quanh gốc. Cỏ Axonopus nên được trồng trong các rãnh thoát nước.

– Keo tai tượng là một trong những loại cây thích hợp đã được trồng làm hàng rào chắn gió. Chúng được trồng thành 2-3 hàng tạo thành vành đai bao quanh phía đỉnh đồi (Bắc), phía Nam và đường bao phía Đông của vườn.

– Thiết kế hệ thống tưới

Nước tưới được bơm từ trạm bơm nằm cuối vườn về phía Nam theo đường ống phi 4” đặt ngầm dưới đất lên bể chứa trên đỉnh đồi (Hình 3). Nước tưới theo 5 đường ống dẫn chính (phi 2”) chia nước xuống các lô. Tại mỗi lô chính sẽ có 10 van khóa (phi 0,5”) để giúp cung cấp nước trực tiếp tưới cho cây theo hệ thống tưới nhỏ giọt.

  • Lập vườn đất thấp trũng cần lên líp tôn cao đất

a) Chuẩn bị vườn trồng: chặt bỏ hết cây hoang và đào gốc rồi vùi xuống rạch nằm trong vườn.

b) Thoát nước bề mặt: Vườn bao gồm có 5 hàng trồng cây chính, mỗi hàng nên rộng 5-5,6m. Rãnh thoát nước chính A chạy dọc hướng Bắc và đảm bảo độ rộng 180x sâu 30-60cm. Toàn bộ nước bề mặt sẽ được dồn về một hố ga chính trước khi thoát ra rạch quanh vườn.

Giữa các hàng trồng là rãnh B rộng 150x sâu 30cm cùng đổ dồn vào rãnh A, bao quanh vườn là rãnh C rộng 30cm x sâu 30cm. Tiếp đến rãnh D bao quanh nhà vườn rộng 20cm x sâu 20cm. Cả hai rãnh C và D cùng chảy thẳng ra rạch.

c)Thoát nước ngầm: tất cả hệ thống rãnh thoát nước ngầm rộng 30cm và ở độ sâu 90-100cm nối liền với nhau. Cành cây nhãn chặt bỏ đặt nằm dưới đáy rồi sau đó phủ bằng thân lạc hoặc sỏi đá và cuối cùng lấp đất lên. Nước ngầm trong hệ thống thoát ngầm đổ dồn vào một hố ga sâu 140cm (Hình 6) trước khi được bơm đổ ra ngoài rạch.

Trồng cây trong vườn

he-thong-tuoi-cay-an-qua

Kỹ thuật trồng cây ăn quả

  • Đào hố, bón phân lót và lấp hố

Hố trồng cây ăn quả có múi cần đào to, kích thước hố nên là 0,8 x 0,8 x 0,8m hoăc 1 x 1 x 1m tùy thuộc vào tính chất đất và địa hình. Nếu tầng đất dưới rắn chắc (đất sét, đá ong…) hoặc mạch nước ngầm cao thì nên đào hố rộng hơn thay vì đào sâu, ở vùng đất xấu ít dinh dưỡng cần tiến hành đào hố to và sâu hơn.

Khi đào đất trồng cây nên đổ riêng lớp đất màu phía trên về một bên và lớp đất phía dưới về một bên.

Khi đào hố xong, phần đất màu của mỗi hố sẽ được trộn đều với phân chuồng, phân hóa học và vôi bột. Trước khi lấp hố nên cho một lớp đất đáy xuống trước, tiếp theo cho hỗn hợp phân xuống sau. Trộn đều phân với đất và vun thành vồng đất cao 15- 20 cm so với mặt đất vườn (để khi đất lún cây không bị trũng, không bị úng nước, tránh,được nấm bệnh Phytophthora gây thối gốc)

  • Trồng cây, chống cây và tưới nước

Dùng dao, kéo cắt đáy và phía bên túi bầu ra.

Khi trồng chỉ cần đào một hố sao cho lớn hơn bầu cây một ít ở giữa vồng đất, tiếp theo tháo bỏ túi bầu và đặt thẳng cây xuống, lấy ngay phần đất vừa đào lên lấp lại cho kín và nén nhẹ, không nên lấp đất cao phủ lên mắt ghép.

Sau khi trồng cây xong nên sử dụng một hoặc hai đoạn cọc tre hoặc gỗ để chống giữ cho cây giúp cây luôn đứng thẳng. Cọc chống cần cắm nghiêng và cách một khoảng cách nhất định với thân cây để tránh làm bộ rễ cây bị tổn thương.

Dùng dây vải hoặc dây cao su (cắt từ săm xe cũ) để buộc nhẹ vào cọc. Sau khi trồng cây phải tưới nước ngay cho cây (kể cả trong mùa mưa). Tưới lượng nước vừa đủ để giữ được độ ẩm đất đạt 70% trở lên trong 2 tuần để cây không chết. Lượng nước tưới lần đầu khoảng 10 lít/cây, sau đó tùy thời tiết có thể cách 2-3 ngày tưới một lần. Trước khi tưới nên chọc hai lỗ bên gốc cây để nước có thể ngấm dễ dàng. Không tưới vào thân cây để tránh bị bệnh.

  • Mật độ trồng

Tùy thuộc vào giống và khả năng thâm canh của mỗi hộ gia đình, cam nên trồng với mật độ 400 hoặc 500 cây/ha tương đương 4 x 5m hoặc 5 x 5m. Quít có thể trổng dày hơn 600 – 700 cây/ha, nhưng với cây bưởi lại trồng thưa hơn 300 – 350 cây/ha.

  • Làm cỏ

Thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng xen cùng các loại cây họ đậu để cải tạo đất và chống xói mòn. Thân lá cây họ đậu có thể dùng tủ gốc cho cây. Chú ý xới nhẹ để làm sạch cỏ xung quanh tán cây koặn tủ gốc để chống cỏ mọc. Phần ngoài tán cây cũng như giữa các hàng cây phải giữ thảm cỏ, lợi ích của cỏ dại là để giữ ẩm đất, vừa chống xói mòn đất và tạo nơi cư trú của một số côn trùng có ích.

Khi cây đang ở thời kỳ kinh doanh vẫn phải tiếp tục duy trì thảm cỏ trong vườn. Không nên cày xới giữa các hàng cây quanh tán cây.

Phân bón và kỹ thuật bón

xay-dung-he-thong-tuoi-cay-an-qua

Cung cấp phân bón cho cây ăn quả

  • Bón lót

Cần bón 3 loại chính: phân chuồng, vôi bột và phân hóa học, liều lượng tùy loại cây. Các loại phân bón cần được trộn đều với đất và cho vào hố đào trước khi trồng.

  • Bón định kỳ hàng năm ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

– Phân chuồng:

Hàng năm nên bón bổ sung 40-50kg phân hữu cơ cho một cây, đào rãnh xung quanh tán cây hoặc rãnh đứt đoạn theo tán cây sâu 25-30cm, bón phân chuồng kết hợp cùng với phân hóa học vào rãnh rồi lấp đất lại.

– Phân hóa học: lượng phân bón nên bón từ 3-4 lần/năm.

  • Bón định kỳ hàng năm ở thời kỳ kinh doanh

Thời kỳ này lượng phân hữu cơ cần thiết cũng tương tự như thời kỳ kiến thiết cơ bản. Hầu hết bón phân hữu cơ sau khi thu hoạch quả một tháng. Lượng phân hóa học bón cho cây 4-5 tuổi tăng dần theo nhu cầu của cây. Từ năm thứ 6 trở đi phân hóa học được bón theo năng suất quả/cây của vụ trước.

Thời kỳ bón phân cùng với số lượng từng lần bón hiệu quả với cây ăn quả có múi được tổng kết như sau:

Sau khi thu hoạch một tháng, tiến hành bón 40% đạm + 100% lân + 30% kali + toàn bộ phân hữu cơ (tháng 11-12).

Thời kỳ cây ra lộc xuân, ra hoa và sau đậu quả (tháng 2-4)

Thời kỳ khi cây cho quả lớn: 30% đạm + 40% Kali (tháng 7-8).

Ngoài phân đa lượng cần bón bổ sung thêm các loại phân bón có chứa mangan. kẽm, magiê. Trên đất thiếu lưu hùynh có thể bón ½ đạm Ure + ½ đạm Sulfate.

Vôi cũng rất cần cho cây ăn quả vì chúng vừa cung cấp canxi cho cây vừa chống chua cho đất. Nếu đất bị chua có độ pH dưới 5,0 rễ cây sẽ bị ngộ độc bởi nhôm (aluminium) hay mangan (manganese) và có thể gây nên hiện tượng thiếu những nguyên tố dinh dưỡng dễ liên kết với đất như canxi (Ca), manhê (Mg), Lân (P) và molypden (Mo).

Tưới nước và phương pháp tưới nước

cham-soc-vuon-cay-an-qua

Hệ thống tưới nước cho vườn cây ăn quả

  • Nhu cầu nước của các giai đoạn sinh trưởng

Nước rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Do vậy nên lựa chọn địa điểm lập vườn bên cạnh hoặc gần nguồn nước hoặc có thể đào giếng để có nước tưới. Thiết kế vườn trồng phải gắn liền với hệ thống tưới hoặc tiêu nước.

Ngay sau khi trồng, cây con cần phải được tưới nước ngay để giúp cho cây sớm hồi xanh và bén rễ. Trong thời kỳ cây non chưa ra quả, mỗi tháng phải tưới ít nhất đều đặn 1-2 lần cho cây nếu trời không mưa.

Khi cây đã trưởng thành và ra quả, nhu cầu tưới nước thay đổi tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng của cây.

– Giai đoạn ra hoa, đậu quả và phát triển lộc mới: Giai đoạn này nếu trời không mưa cây rất cần tưới để đảm bảo được độ ẩm đất tối ưu cho cây. Cây chỉ hơi bị thiếu nước trong giai đoạn này sẽ dẫn tới lá bị nhỏ và cành lộc bị ngắn. Thiếu nước nghiêm trọng sẽ làm lá kém phát triển, hoa nở không đầy đủ, đậu quả kém và quả bị rụng nhiều.

– Giai đoạn quả phát triển: Đó là quá trình khi kết thúc rụng quả sinh lý và những quả còn trên cây bắt đầu phát triển, lá của các lộc mới cũng mọc đạt kích thước đầy đủ. Đây là lúc cây ăn quả cần được cung cấp một lượng nước lớn nhất.

– Giai đoạn quả chín: Ở giai đoạn này nếu độ ẩm của đất cao sẽ làm cho cành lá phát triển gây tác động tiêu cực đến chất lượng quả và phân hoá mầm hoa. Do vậy không nên tưới nước vào giai đoạn này. Nếu trời mưa cần thoát nước nhanh khỏi vườn.

– Sau thu hoạch: Nếu trời không mưa, khô hạn nên tưới cho cây trồng một lượng nước nhỏ đủ giúp cho cây phục hồi sau khi cho quả và tăng cường phân hoá học.

  • Các phương pháp tưới

– Tưới rãnh

Phương pháp này được áp dụng nếu vườn trồng có địa hình bằng phẳng và nguồn nước dồi dào. Đào những rãnh dọc theo luống cây rồi tháo nước vào đầy rãnh để nước ngấm vào đất quanh tán cây. Khi đảm bảo toàn bộ rễ cây đã nhận đủ nước thì tháo nước khỏi rãnh. Phương pháp này giúp tiết kiệm đầu tư nhưng gây lãng phi nước.

– Tưới bằng ống dẫn cho từng cây

Tạo tán và đốn tỉa cây ăn quả

vuon-trong-cay-an-qua

Chăm sóc vườn cây ăn quả

Cây ăn quả là cây trồng lâu năm, chúng có thể sống đến 20-30 năm và ra hoa kết quả hàng năm. Tuy nhiên, nếu không duy trì  được đúng kích thước và chiều cao của cây, tán cây trong vườn sản xuất sẽ không được đồng đều và phát triển rậm rạp. Trong những vườn cây rậm rạp như vậy sâu bệnh dễ phát sinh gây hại, chất lượng quả trở nên kém và không ra quả đều hàng năm. Do vậy, một chương trình tạo tán và đốn tỉa đúng đắn sẽ rất quan trọng để duy trì một vườn cây ăn quả khỏe mạnh, năng suất và chất lượng.

  • Mục đích của tạo tán và đốn tỉa

Tạo tán và đốn tỉa nhằm 3 mục đích:

Một là: Giúp cho ánh sáng và không khí tiếp xúc tới lá để nâng cao tổng số diện tích lá hữu hiệu và tăng cường quang hợp. Nếu cành cây được phân bổ và định hướng tốt, chúng sẽ có một không gian để nhận được đầy ánh sáng. Điều đó cải thiện tính hữu hiệu của việc sử dụng nước cũng như chuyển đổi các chất dinh dưỡng của cây. Kết quả đem lại năng suất và chất lượng quả được nâng cao.

Hai là: Tạo tán và đốn tiả đúng cách giúp cho cây có một kích thước đúng đắn. Do đó, người trồng có thể dễ dàng kiểm soát và quản lý các cây trong vườn, nâng cao sức sống (thể chất) của cây, tăng cường sức chống chịu với các điều kiện bất thuận cũng như duy trì một cân bằng hữu hiệu nhất giữa sinh trưởng thân lá và ra quả.

Ba là: Một vườn cây ăn quả được đốn tỉa cẩn thận sẽ tạo một ấn tượng tốt đẹp về cảnh quan sinh thái cũng như tay nghề quản lý của chủ vườn. Điều này rất cần cho trang trại du lịch sinh thái thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

  • Các tập tính nảy chồi (lộc) và sinh quả của cây có múi

– Sự bật chồi: Ở những vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, các chồi mới thường mọc vào mùa xuân, hè, thu và có cả trong mùa đông. Các chồi mùa xuân và mùa hè là quan trọng nhất, vì vậy chúng phải được phát triển đúng cách không quá mạnh mẽ.

– Tập tính sinh quả: Ở cây ăn quả trưởng thành, cành sinh quả phát triền chủ yếu ở các chồi xuân và hè. Các chồi xuân mọc từ những cành sinh quả cho năng suât cao nhất. Các hoa đơn hoặc chùm hoa có thể phát triển từ đỉnh chồi hoặc các chồi nách (mắt nách).

  • Dáng cây và hệ thống tạo tán

Cây ăn quả có thể mọc rất cao. Chúng nên được tạo tán để có  được dáng thích hợp với một trung tâm mở hay còn gọi là tán hình phễu, hình cốc. Người trồng cây sẽ có lợi nếu làm theo hệ thống này dễ dàng chăm sóc cây kể cả phun thuốc và thu hái quả, các cây trẻ cho tán mọc nhanh và ra quả sớm. Việc đốn tỉa cây dễ dàng.

  • Các phương pháp đốn tỉa

Các nhà trồng cây nên lựa chọn thời gian thích hợp để đốn tỉa. Ở vùng cây ăn quả ôn đới và Á nhiệt đới có mùa đông lạnh, việc trao đổi chất giảm trước lúc phát lộc xuân (ra chồi xuân) vì nhiệt độ thấp và mùa khô. Thời kỳ cây bị suy giảm khả năng trao đổi chất chính là thời điểm đốn tỉa cây. Tỉa nhẹ (tỉa phớt) cũng có thể tiến hành vào thời vụ khác để loại bỏ các chồi không mong muốn hoặc mọc dầy.

  • Các nguyên tắc và thủ tục đốn tỉa

Tỉa quả: Tỉa bỏ những quả ra sớm trong năm thứ hai, thứ 3 để cây lớn nhanh. Tỉa quả khi cây trưởng thành (5-6 tuổi trở đi) sẽ làm tăng chất lượng quả.

Người trồng cây không nên tỉa bỏ quá 15% tổng số chồi. Đốn tỉa nên bắt đầu từ ngọn cành khung thứ 3, tiếp đến là cành khung thứ 2 và sau cùng là cành khung thứ nhất. Tại mỗi cành khung, đốn tỉa nên bắt đầu từ những cành cấp hai sau đến các chồi bên, các cành và chồi không mong muốn.

Trên đây là kỹ thuật thiết kế vườn trồng cây ăn quả được chúng tôi tổng hợp và chia sẻ tới bà con. Hi vọng sẽ giúp bà con có được vườn trồng cây ăn quả đem lại năng suất và chất lượng cao nhất.

Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: