-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY DƯA CHUỘT TRONG VỤ ĐÔNG MUỘN
Saturday,
11/09/2021
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Đông muộn là khoảng thời gian có thời tiết khá khắc nghiệt với nhiệt độ giảm thấp. Tuy nhiên do cây dưa chuột có thời gian sinh trưởng ngắn nên vẫn “chớp” được thời tiết để sinh trưởng, phát triển. Dù người dân gặp nhiều khó khăn khi canh tác trong thời gian này, nhiều hộ dân vẫn tiến hành gieo trồng dưa chuật do đây là thời gian dưa chuột bán được giá cao. Vậy để trồng được dưa chuột vào thời điểm này, bà con cần áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa chuột trong vụ đông muộn như sau:
Thứ nhất, về giống và thời vụ
Vụ đông muộn có thời gian trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau nên bà con phải sử dụng các giống chịu rét như nếp địa phương, nếp số 1, giống nếp lai (Việt á VA66, VA 67, VA68).
Lượng hạt giống cần trên 1 sào Bắc bộ (360 m2) là 25 gram hạt giống.
Chú ý: Bà con nên ươm cây con để trồng. Nếu đang trong đợt rét đậm, rét hại bà con không được xuống giống.
Thứ hai, về chuẩn bị đất
Chuẩn bị đất trồng dưa chuột
Dưa chuột là giống cây thích hợp với đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, không quá phèn, mặn. Bà con cần chọn đất vụ trước không trồng họ bầu bí là tốt nhất.
Trước khi trồng, bà con cần phải cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ, lên luống cao 20 - 25cm, mặt luống rộng 1m, rãnh rộng 40 cm. Luống trồng nên phủ nilon để giữ ấm, giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
Thứ ba, về kỹ thuật trồng
+ Về chuẩn bị cây con:
Bà con ngâm hạt giống bằng nước ấm từ 3 - 4 giờ sau đó vớt hạt ra rồi ủ ấm trong khăn ẩm, khi hạt nảy mầm thì bà con tra vào bầu.
- Làm bầu: Bà con cần làm bầu bằng đất bùn bằng cách trộn phân chuồng hoai mục với đất bùn tỷ lệ 1:1, độ dày bùn 3 cm, khi ráo cắt ô vuông 3 x 3 cm, sau đó tiến hành gieo hạt vào và phủ một lớp đất bột mỏng. Hoặc bà con có thể gieo vào khay ươm cây con chuyên dụng.
+ Về mật độ, khoảng cách trồng:
- Mật độ: Khoảng 1.000 cây/sào.
- Khoảng cách: Luống trồng 2 hàng: Hàng cách hàng 65 - 70 cm, cây cách cây 40 cm.
Thứ tư, về phân bón và cách bón phân
- Lượng phân bón cần thiết cho 1 sào Bắc bộ (360 m2) như sau:
+ Phân chuồng hoai mục: 500 kg; Vôi: 25 kg; Phân hữu cơ vi sinh: 30 kg; Lân supe: 20 kg; Đạm urê: 10 kg; Kali: 10 kg
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, hữu cơ vi sinh + 10 kg lân supe. Bà con nhớ rắc vôi đều vào đất trước khi lên luống.
+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 7 ngày): Bón 5 kg lân + 2 kg đạm + 2 kg kali
+ Bón thúc lần 2: Bón 5 kg lân + 2 kg đạm + 2 kg kali
+ Bón thúc lần 3, 4, 5: Bón 2 kg đạm + 2 kg kali
Các lần bón cách nhau 10 ngày, bà con nên hòa phân ra để tưới cho cây dễ hấp thu dinh dưỡng.
Chú ý: Bà con không nên bón phân khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Thứ năm, về làm giàn và chăm sóc
Làm giàn và chăm sóc
- Làm giàn: Khi cây trổ 3 lá thật đầu tiên thì tiến hành làm giàn, bà con dùng cọc dài khoảng 2,5m cắm hình chữ A, khoảng cách giữa các cọc chữ A từ 2 - 6m (tùy độ cứng của cọc), sau đó giăng lưới nilon có mắt lưới rộng 20cm lên giàn để cho dưa leo. Bà con lưu ý thăm vườn thường xuyên để buộc thân dưa vào giàn để dây và quả sau này không bị tuột xuống đất.
- Làm cỏ, tưới nước và các biện pháp kỹ thuật khác:
+ Nếu che phủ nilon, bà con chỉ cần làm cỏ rãnh và hốc trồng.
+ Tưới nước cho dưa đảm bảo độ ẩm đất 85 - 90%. Bà con cần căn cứ vào độ ẩm đất trước lúc tưới để quyết định lượng nước tưới, số lần tưới.
+ Bà con lưu ý thường xuyên ngắt lá già, lá bệnh để cho ruộng dưa luôn thông thoáng, giúp giảm thất thoát dinh dưỡng.
+ Sử dụng lưới đen hoặc bạt có cọc đỡ để che hướng gió Bắc thổi, tránh táp lá khi cây lên giàn, chiều cao che bằng hoặc cao hơn giàn dưa.
Thứ sáu về phòng trừ sâu bệnh hại
Phòng trừ sâu bệnh cho dưa chuột
Đối với cây dưa chuột, các đối tượng sâu bệnh hại chính bao gồm: sâu vẽ bùa, bọ trĩ, bọ phấn, bọ dưa, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ, thán thư, sương mai, phấn trắng, khảm virus. Để phòng trừ các loại sâu bệnh này, bà con cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:
- Luân canh cây trồng;
- Chọn giống chống chịu;
- Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;
- Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;
- Bà con cũng nên thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật địa phương.
Với những thông tin hữu ích về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa chuột mà chúng tôi vừa chia sẽ, hy vọng bà con ứng dụng trên ruộng dưa của mình để có một vụ dưa chuột bội thu trong vụ đông muộn. Ngoài ra, bà con cũng cần kết hợp với biện pháp làm đất trước khi trồng cây để cây trồng phát triển tốt và hạn chế sâu bệnh.
Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp
Tin tức khác:
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực
- Mùa Sầu Riêng Tây Nguyên Tháng Mấy? Thời Điểm Thưởng Thức Sầu Riêng Ngon Nhất