NGUY CƠ SUY KIỆT ĐẤT VÀ GIẢI PHÁP CẢI TẠO PHỤC HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

NGUY CƠ SUY KIỆT ĐẤT VÀ GIẢI PHÁP CẢI TẠO PHỤC HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Monday,
11/04/2022
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Đất tốt thì cây khỏe, đất suy kiệt thì cây ốm yếu. Khi đất bị thoái hóa, suy kiệt, các vi sinh vật có hại theo đó cũng có thời cơ bùng lên và tàn phá cây trồng. Để cây phát triển tốt, bà con cần nắm rõ nguyên nhân suy kiệt đất và các giải pháp nhằm cải tạo và phục hồi đất nông nghiệp.

Nguyên nhân đất bị suy kiệt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đất bị suy kiệt, giảm độ phì nhiêu và mất cân bằng dinh dưỡng. Ví dụ như việc canh tác độc canh một loại cây trồng trong một thời gian dài như cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày... khiến sức khỏe đất bị suy giảm.

Trong-cay-doc-canh

Trồng cây độc canh

Khi đất bị suy kiệt, các nhóm vi sinh vật có hại cho cây trồng có khuynh hướng gia tăng đặc biệt là các loại nấm đất như Fusarium, Phytophthora..., hay các loại tuyến trùng. Khi sức khỏe đất bị suy yếu kết hợp với sự hoạt động mạnh của các vi sinh vật có hại, sẽ càng khiến cho cây trồng không hấp thu được dinh dưỡng từ đất, dần dần cây trở nên kiệt quệ và chết.

Hiện nay, một số đối tượng côn trùng, vi sinh vật càng ngày càng có xu hướng hoạt động, gây hại trên diện rộng và ở nhiều môi trường khác nhau. Ví dụ như rệp sáp gây hại rễ cam – chanh, trước đây thường chỉ xuất hiện và gây hại cây trồng ở trên mặt đất. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã có hiện tượng rệp sáp xuất hiện và gây hại rễ cam, chanh.

Để cây phát triển tốt, việc cải tạo đất, bảo vệ đất khỏi sự suy thoái, phục hồi sự phì nhiêu của đất là yêu cầu hết sức cần thiết không chỉ nhằm đáp ứng cho sinh trưởng, phát triển, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng tốt nhất, mà còn giúp kìm hãm các vi sinh vật có hại, cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật trong đất....

“Bài thuốc” nào tăng sức khỏe cho đất?

Có nhiều giải pháp để phục hồi độ phì nhiêu của đất. Trong đó, điều đầu tiên cần làm là tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng, mức độ suy thoái đất, đánh giá về suy thoái độ phì nhiêu của đất xem đất đủ hay thiếu dinh dưỡng, thiếu những thứ gì...?

Từ đó, tìm ra nguyên nhân, giải pháp để kịp thời khôi phục, trong đó có giải pháp xem xét về năng suất, sản lượng/diện tích của vụ trước mà cây trồng đã lấy đi để có sự bù đắp dinh dưỡng tương đương cho các vụ sau.

Thứ hai, cần tăng cường việc bổ sung hàm lượng hữu cơ cho đất như phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh hữu cơ. Đồng thời, bổ sung các chế phẩm sinh học đa chức năng, trong đó có cả các vi khuẩn, nấm đối kháng, ức chế với các loại vi sinh vật có hại cho cây trồng; tăng cường, bổ sung các nhóm vi sinh vật chức năng như vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân... nhằm tăng độ phì nhiêu và khả năng kháng bệnh của đất cho cây trồng.

Bước tiếp theo, bà con lưu ý về việc tưới tiêu cho cây trồng trong quá trình canh tác, cần phải thiết kế vườn nhằm đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa, giữ ẩm tốt vào mùa khô. Thực tế ở nhiều nơi, nhà vườn thiết kế hệ thống tưới tiêu cho vườn cây chưa được đảm bảo, gây hiện tượng nước chảy tràn bề mặt trong quá trình tưới hoặc khi mưa lớn.

Điều này không chỉ làm rửa trôi đất, ngập úng cục bộ, mà còn là điều kiện để các dịch bệnh nguy hiểm trong đất có thể nhanh chóng lây lan trong vườn. Cụ thể như một số nấm trong đất như Phytophthora là nấm thủy sinh, có tốc độ lan truyền rất nhanh qua con đường nước chảy hay nước mưa. Khi các vườn thoát nước kém, có nước chảy tự do thì tốc độ lây lan của dịch bệnh rất nhanh, nhất là trong mùa mưa.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế sự bùng phát, gây hại của các vi sinh vật trong đất, tăng độ phì nhiêu cho đất thì bà con có thể thực hiện biện pháp luân canh cây trồng. Đặc biệt là luân canh với các loại cây họ đậu, bởi vì các loại cây này có khả năng cố định đạm tự nhiên rất tốt. Việc luân canh cây trồng cũng là biện pháp hữu hiệu giúp cắt được các nguồn bệnh trong đất được tích tụ trong quá trình canh tác một loại cây trong nhiều năm.

Đối với việc sử dụng thuốc BVTV, bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, bà con cũng cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ. Đối với với các cây ăn quả lâu năm hay cây công nghiệp, bà con cần phải giữ, chăm sóc thường xuyên hệ thảm thực vật ở bề mặt đất, chỉ làm sạch cỏ ở khu vực gốc cây, giữ lại diện tích thảm cỏ tự nhiên nhằm hạn chế tình trạng rửa trôi đất. Thảm thực vật cũng giúp giữ ẩm vào mùa khô. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các vi sinh vật, thiên địch có ích trú ngụ.

Duy-tri-tham-thuc-vat-cho-dat

Duy trì thảm thực vật cho đất

Bà con cũng lưu ý việc tăng độ pH của đất là do một số loại nấm như Phytophthora gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng rất ưa thích ở môi trường đất chua, nên việc bón thêm vôi hàng năm cho đất là điều rất quan trọng nhằm nâng cao độ pH của đất, tiêu diệt, kìm hãm các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng.

Ngoài ra, bà con cũng nên sử dụng các chế phẩm sinh học đa chức năng để cải tạo đất. Bởi những chế phẩm sinh học này có khả năng xử lý các chất xanh, phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, vỏ dứa thành phân bón rất tốt cho cây trồng.

Đất phải được nghỉ ngơi

Trong các biện pháp kiểm soát sâu bệnh hại từ đất thì khâu vệ sinh đồng ruộng là rất quan trọng, nhất là các vườn trồng mới. Bởi vì một số bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, có nguy cơ lây lan qua nguồn giống và các vật liệu trồng là rất nhanh và nguy hiểm.

Riêng các vườn đã xuất hiện các ổ bệnh, bà con cần tập trung xử lý dứt điểm bằng cách nhổ bỏ, thiêu hủy toàn bộ cây bị bệnh, xử lý vùng đất xung quanh khu vực cây có bệnh bằng cách đào hết đất tại khu có bệnh lên để phơi khô, bón bổ sung vôi. Đồng thời bà con không được tiến hành trồng cây lại ngay, mà phải cho đất nghỉ từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó mới trồng mới lại.

Tương tự đối với các loại cây ăn quả, nhất là cây ăn quả lâu năm, nếu trồng sang chu kỳ thứ 2, thứ 3 thì trước khi trồng lại, nhất định phải có giai đoạn cho đất nghỉ để cách li dịch bệnh.

Trước khi trồng lại chu kỳ cây ăn quả mới, bà con cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh của các vụ trước để có giải pháp tiêu diệt nguồn bệnh tồn tại sẵn trong đất, bổ sung độ phì, tăng cường sức khỏe và hệ vi sinh vật có lợi cho đất.

Lưu ý: đối với đất hố trồng, bà con phải được xử lí vôi, nếu bổ sung thêm phân hữu cơ được ủ với các chế phẩm sinh học (nhất là chế phẩm có nấm Trichoderma) sẽ rất có ý nghĩa trong việc tiêu diệt, hạn chế được nguồn lây nhiễm nguồn bệnh ban đầu tồn tại sẵn trong đất. Bên cạnh đó đối với các vùng có nguy cơ tồn tại tuyến trùng trong đất, bà con còn phải xử lí đất bằng các chế phẩm để tiêu diệt tuyến trùng.

Trước đây, khi áp lực sản xuất chưa lớn, đối với các vùng trồng cây ăn quả lâu năm, trước khi người dân trồng lại chu kỳ mới, họ thường trồng luân canh sang các cây trồng ngắn ngày khác từ 1-2 năm, nhất là cây họ đậu, rồi mới triển khai trồng lại cây ăn quả.

Hiện nay, do áp lực sản xuất, nên việc cho đất nghỉ, hoặc trồng luân canh giữa các chu kỳ cây ăn quả gần như rất ít được người dân thực hiện. Đây chính là nguyên nhân làm cho đất bị bào mòn, suy kiệt dinh dưỡng, đồng thời tồn tại nhiều loại sâu bệnh có hại mà không được xử lí dứt điểm từ chu kỳ trước tiếp tục gây hại sang chu kỳ sau.

Như vậy để cây trồng phát triển tốt, việc duy trì độ phì nhiêu cho đất bằng các giải pháp cải tạo phục hồi đất như chúng tôi vừa chia sẽ là rất quan trọng. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu.

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: