-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
BÍ QUYẾT CHĂM SÓC SẦU RIÊNG GIAI ĐOẠN NUÔI TRÁI HIỆU QUẢ

Sunday,
25/05/2025
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM
Giai đoạn nuôi trái sầu riêng là thời điểm cây cần được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo trái phát triển đều, cơm dày, không rụng và đạt giá trị thương phẩm cao. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn dễ xảy ra các vấn đề như rụng trái sinh lý, đi đọt tranh dinh dưỡng, sâu bệnh hại… Nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, công sức cả vụ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là những kỹ thuật cần nắm vững để giúp vườn sầu riêng của bà con phát triển ổn định trong giai đoạn quan trọng này.
I. Tưới nước đúng cách trong giai đoạn nuôi trái sầu riêng
Trong giai đoạn nuôi trái sầu riêng, cây cần duy trì độ ẩm ổn định. Nếu thiếu nước, cây sẽ suy yếu, dễ rụng trái và giảm chất lượng trái. Ngược lại, nếu tưới quá nhiều cũng gây úng rễ, phát sinh nấm bệnh.
Thời điểm và cách tưới hiệu quả
Giữ ẩm liên tục: Từ khi cây bắt đầu xổ nhụy (khoảng 7–10 ngày), cần giữ ẩm bề mặt bằng cách tưới sương nhẹ, sử dụng lượng nước khoảng 20–30% so với tưới bình thường.
Sau khi xổ nhụy: Bắt đầu tăng lượng nước dần theo từng đợt:
- Trước xổ nhụy: tưới 50 lít/gốc
- Giai đoạn xổ nhụy: giảm còn 10–15 lít/gốc
- Xổ nhụy dứt điểm: tăng lên 15–20 lít/gốc, sau đó tiếp tục nâng đến 50 lít/gốc
Đối với hệ thống tưới tự động:
- Trước xổ nhụy: mở van tưới 1 giờ/lần
- Khi xổ nhụy: giảm còn 10–15 phút/lần
- Sau xổ nhụy: tăng dần lên 20–30 phút, sau đó quay lại mức 1 giờ/lần
Giai đoạn trái to bằng ngón tay 15-20 ngày (Ảnh Internet)
II. Bón phân nuôi trái sầu riêng: kỹ thuật quyết định năng suất và chất lượng
Giai đoạn nuôi trái sầu riêng là lúc cây cần lượng dinh dưỡng cao để nuôi cơm trái phát triển đều, cơm dày, hạt lép, cơm vàng đẹp. Tuy nhiên, nếu bón không đúng kỹ thuật, cây dễ đi đọt non, gây tranh chấp dinh dưỡng với trái, dẫn đến rụng trái sinh lý, trái nhỏ, méo mó, phẩm chất kém.
1. Chọn đúng thời điểm bón phân
Việc bón phân phải gắn liền với sinh lý phát triển của cây, không nên dựa theo lịch cố định. Cụ thể:
- Trước khi xổ nhụy: cây đã ra xong 1 đọt, tạm ngưng đi đọt, chuyển sang nuôi hoa → chưa bón phân
- Sau khi đậu trái (7–10 ngày): khi thấy trái giữ lại được tương đối ổn định, cây chưa có dấu hiệu đi đọt lại → đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu bón phân nuôi trái
*Lưu ý: Nếu cây chưa kiểm đọt, còn phát đọt non → tuyệt đối không bón vì sẽ gây rụng trái hàng loạt.
2. Kỹ thuật kiểm đọt trước khi bón
Để cây không đi đọt khi đang nuôi trái, người trồng cần áp dụng các biện pháp kiểm đọt:
- Chặn đọt: cắt nước và giảm phân trước đó để cây ngưng phát đọt.
- Kéo đọt: dùng phân kali hoặc phân có hàm lượng lân cao để “kéo” cây tập trung nuôi hoa và trái.
- Dìu đọt: bón phân ở mức thấp và tăng dần để kiểm soát nhẹ quá trình phát triển.
Mục tiêu là làm cho cây chỉ tập trung dinh dưỡng cho trái, không bị “xé lực” qua phát đọt.
3. Nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn nuôi trái
Giai đoạn nuôi trái kéo dài khoảng 90–100 ngày, được chia thành 3 giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau:
Giai đoạn 1: Trái nhỏ (0–30 ngày sau đậu trái)
- Nhu cầu chính: Lân (P), Kali (K), Canxi (Ca), Magiê (Mg)
- Mục tiêu: Tăng kích thước trái, phát triển tế bào trái, chống rụng trái non.
Gợi ý phân bón:
- NPK tỷ lệ 10-30-20 hoặc 15-20-25 kết hợp Canxi-Boron
- Phân hữu cơ vi sinh bổ sung chất mùn giúp tăng giữ ẩm
Liều lượng:
- Bón gốc: 1,5–2 kg/gốc/lần
- Phun lá: 7–10 ngày/lần bằng phân bón lá chứa K+Ca+vi lượng
Giai đoạn 2: Trái phát triển nhanh (30–70 ngày sau đậu trái)
- Nhu cầu chính: Kali cao, bổ sung canxi – magie – bo
- Mục tiêu: Tăng trọng lượng trái, hạn chế nứt trái, phát triển cơm
Gợi ý phân bón:
-
NPK tỷ lệ 12-10-30 hoặc 13-0-46 (KNO3)
-
Phân bón bổ sung Silic (giúp cứng vỏ trái, tăng khả năng kháng bệnh)
Liều lượng:
- Bón gốc: 2–2,5 kg/gốc chia đều thành 2 lần bón cách nhau 20 ngày
- Phun lá: bổ sung phân canxi-bo, kali lỏng
Giai đoạn trái 0.7-1kg (Ảnh Internet)
Giai đoạn 3: Trái gần thu hoạch (70 ngày trở đi)
- Nhu cầu chính: Kali – Canxi – Magie – vi lượng
- Mục tiêu: Tăng hương vị, màu cơm, độ dẻo và độ ngọt
Gợi ý phân bón:
-
Kali Sunphat (K2SO4 – không chứa Clo)
-
Phân hữu cơ humic + amino acid + rong biển (giúp trái ngọt, cơm mịn)
Liều lượng:
- Bón gốc: 1,5–2 kg/gốc/lần
- Phun lá: 1–2 lần trước thu hoạch 30 và 15 ngày, ngưng 10–15 ngày trước thu hoạch để đảm bảo an toàn thực phẩm
4. Kết hợp bón gốc và phun lá
Không nên chỉ bón gốc hoặc chỉ phun lá. Cần kết hợp cả hai để cây hấp thu cả đường rễ và lá, phát huy hiệu quả nhanh và đồng đều.
- Bón gốc: mỗi tháng 1–2 lần tùy giai đoạn
- Phun lá: 7–10 ngày/lần, vào buổi sáng mát hoặc chiều muộn, tránh nắng gắt và mưa
>>>Xem thêm: CÁCH BÓN PHÂN CHO CÂY SẦU RIÊNG GIAI ĐOẠN NUÔI TRÁI
III. Tỉa trái sầu riêng giai đoạn nuôi trái sầu riêng
Sau khi đã tỉa bớt hoa trong 1 chùm, chỉ để không quá 10 bông/chùm. Hầu hết số bông này đều đậu trái, nên cần thiết phải tỉa bớt trái nhằm tạo cho trái đảm bảo về chất lượng cũng như trọng lượng trái.
1. Cách tỉa và thời điểm tỉa trái
- Lần 1: Trái được 3-4 tuần sau khi hoa nở, tỉa bỏ những trái có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm trái, trái méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6-8 trái/chùm).
- Lần 2: Trái được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa trái cong vẹo, dị dạng (để lại 3-4 trái/chùm).
- Lần 3: Trái được 10 tuần sau khi hoa nở: Cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng trái.
Chỉ để 2-3 trái/chùm, khoảng 70-120 trái/cây (tùy theo độ tuổi và sức của cây). Trong trường hợp đang nuôi trái mà có hiện tượng rụng trái thì tiến hành tỉa bớt một số trái, ưu tiên tập trung dinh dưỡng để nuôi các trái còn lại.
2. Phun phân qua lá để dưỡng trái
Khi trái được 15-20 ngày tuổi. Phun định kỳ 7-10 ngày/lần bằng phân bón lá NPK 20-20-20 + King tropical để cung cấp dinh dưỡng nuôi trái. Có thể cộng thêm ZinC 14%( kẽm) để trái xanh và tăng sức đề kháng cho cây nuôi trái tốt hơn.
Phun định kì 7-10 ngày 1 lần canxi bo bằng Bộ ba anh quốc để tăng độ dẻo dai cho cuống, hạn chế nứt cuống bể đầu gai.
Phun qua lá cây sầu riêng (Ảnh Internet)
3. Chặn đọt
Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun chặn đọt PK80 + kali bo. Pha 1kg chặn đọt Pk 80 + 500g kali bo cho 1 phuy 200 lít nước. Phun tán lá và đầu cành phun 2-3 cử cách nhau 3-4 ngày.
Hoặc dùng K2SO4 (200-300g/bình 16 lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non phát triển gây rụng trái non.
Trong lần phun cuối cần phối hợp với thuốc Agri – Fos 640 để phòng bệnh thối trái, xì mủ thân. Giai đoạn này trái nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối trái do nấm phát triển. Ph 1 lít cho 500 lít nước phun phòng thối trái.
>>>Xem thêm: TỈA TRÁI SẦU RIÊNG GIAI ĐOẠN NUÔI TRÁI NON
IV. Xử lý sâu bệnh giai đoạn nuôi trái
Chăm sóc sầu riêng giai đoạn nuôi trái là thời điểm cây sầu riêng dễ bị sâu bệnh tấn công nhất. Do cây dồn toàn bộ dinh dưỡng để nuôi trái, sức đề kháng của cây suy giảm, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Vì vậy, việc phòng ngừa và xử lý sâu bệnh đúng cách là vô cùng quan trọng.
Sử dụng các loại thuốc có chứa:
- Hợp chất kẽm và propenyl bisdithiocarbamate.
- Azoxystrobin + difenoconazole (phòng nấm hiệu quả).
- Metalaxyl, metalaxyl mancozeb, và các hợp chất gốc phosphonate (đặc trị các loại bệnh gây thối rễ, thối quả).
Lưu ý quan trọng:
- Thời điểm phun thuốc: Phun thuốc định kỳ 10-15 ngày/lần để đảm bảo cây được bảo vệ liên tục.
- Duy trì thời gian cách ly an toàn từ 15-20 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo trái không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
- Chọn thời điểm phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
Bổ sung dinh dưỡng phù hợp để tăng cường sức khỏe cho cây, hạn chế nguy cơ mắc bệnh (Ảnh Internet)
V. Một số biện pháp chống sượng trái
Giai đoạn trái chuyển từ non sang già là giai đoạn tích lũy tinh bột nên cây rất cần các trung, vi lượng như Ca, S,Mg, Zn, Bo, Mo, Cu… giúp cho cây quang hợp tốt, trái không bị sượng. Khi trái sầu riêng chuyển hóa tinh bột thì việc bổ sung Kali SULPHATE (K2SO4) là rất cần thiết.Không bón kali đỏ làm trái dễ bị sượng, không sử dụng các loại phân bón gốc, bón lá có chứa các kích thích tố NAA, IBA, Auxin, GA3.
Khi mưa nhiều bồn sâu chứa nước, làm cho cây thừa nước, quá trình chín cũng diễn ra kém, dẫn đến tình trạng trái bị sượng nước. Do đó khi vào mùa mưa cần thiết phải làm cho bồn thoát nước tốt. Trước khi thu hoạch trái sầu riêng 15-20 ngày phải cắt nước hoàn toàn, nếu trời mưa thì phải khai thông bồn cho thoát nước tốt thì chất lượng trái sẽ tốt.
>>>Xem thêm: Bí quyết dinh dưỡng cho sầu riêng giai đoạn nuôi trái để đạt năng suất
Giai đoạn nuôi trái là giai đoạn quyết định thành công của cả vụ sầu riêng. Áp dụng đúng kỹ thuật tưới nước, bón phân, tỉa trái và phòng bệnh sẽ giúp cây khỏe, trái đẹp, năng suất cao. Mỗi thao tác cần được thực hiện đúng thời điểm và phù hợp với sinh lý cây. Chăm đúng – trúng thời điểm, bà con sẽ thu được vụ mùa sầu riêng chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Bài viết mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn phù hợp với tình trạng thực tế mỗi vườn, bà con vui lòng liên hệ hotline kỹ thuật của Vật tư Nông Nghiệp Bích Trâm:
- Hotline: 0326.208.405 hoặc 032.669.3970
Tin tức khác:
- GIÁ CÀ PHÊ HÔM NAY 20/4/2025: ROBUSTA GIỮ ĐỈNH, NỘI ĐỊA ÁP SÁT MỐC 130.000 ĐỒNG/KG
- Bệnh rỉ sắt trên cây sầu riêng: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
- Bệnh khô cành trên cây sầu riêng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị hiệu quả
- NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI TỪ LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN THỨ II NĂM 2024
- LỄ HỘI SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC LẦN II NĂM 2024 CHÍNH THỨC VÀO HỘI, THU HÚT HÀNG CHỤC NGÀN DU KHÁCH THAM QUAN
- Giá Sầu Riêng Hôm Nay Mới Nhất Tại Các Khu Vực