LÀM BÔNG SẦU RIÊNG CHÍNH VỤ Ở TÂY NGUYÊN

LÀM BÔNG SẦU RIÊNG CHÍNH VỤ Ở TÂY NGUYÊN
Thursday,
07/09/2023
Đăng bởi: NÔNG DƯỢC BÍCH TRÂM

Kỹ thuật làm bông giữ trái trên cây sầu riêng là yếu tố quan trọng quyết định năng suất của mùa vụ, cách thức thực hiện cần phải đúng thời điểm và đúng cách thức. Làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên thường rơi vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch (tháng 12 âm lịch). Thời điểm này Tây Nguyên đang trong mùa khô nên thuận lợi cho quá trình làm hoa. Bài viết dưới đây Nông dược Bích Trâm sẽ gửi đến bà con chi tiết về kỹ thuật làm bông chính vụ ở Tây Nguyên nhé!

I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO LÀM BÔNG SẦU RIÊNG CHÍNH VỤ Ở TÂY NGUYÊN

Để đảm bảo rằng hoa sầu riêng nở đều và cho trái chất lượng, trước khi tạo hoa, việc quan trọng là phải đảm bảo sức khỏe của cây, ngăn ngừa bệnh tật và tình trạng cành lá tốt.

1. Bón phân sau thu hoạch

Sau khi thu hoạch vụ trước, quá trình chăm sóc và phục hồi cây sầu riêng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khoảng một tuần sau khi thu hoạch trái cây, tối ưu hóa sự phát triển của cây bằng cách cung cấp cho cây các dưỡng chất cần thiết. Điều này có thể thực hiện bằng cách sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, hoặc các loại phân chứa lượng đạm cao như đạm cá, đỗ tương để bón cho cây.

Cong-tac-chuan-bi-cho-lam-bong-sau-rieng-chinh-vu-o-Tay-NguyenCông tác chuẩn bị cho làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên

Lượng bón: Tùy theo tuổi cây và độ rộng của tán

- 40 – 60kg phân chuồng/gốc

- 3 – 5kg phân hữu cơ nở/gốc

Kết hợp phun tưới và cung cấp dinh dưỡng trung vi lượng để phục hồi cây. Bên cạnh đó cũng tưới phòng nấm phytophthora cho cây trước mùa mưa.

>>> Xem thêm: 4 bước cần nhớ phục hồi sầu riêng sau khi thu hoạch

2. Cắt tỉa cành khô, cành tăm rụng hết lá

Thực hiện việc loại bỏ những cành khô và cành tăm trên cây sau khi chúng đã rụng hết lá. Hãy chú ý tập trung vào cành tăm nằm cách khoảng 60cm từ thân cây. Hãy tránh cắt quá nhiều, bởi cây thường tự loại bỏ những cành không phát triển tự nhiên.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật cắt tỉa cây sầu riêng đúng cách theo từng giai đoạn

3. Một số lưu ý khác trước khi làm hoa

- Cây phải ra được từ 2 – 3 cơi đọt, lá phải dày, bóng khỏe, không sâu bệnh.

- Phun, tưới phòng nấm thán thư, phytophthora, nhện đỏ, rầy rệp,… cho cây. Phun đều thân cành lá, đặc biệt là những cành sẽ ra mắt cua.

- Cân bằng pH đất trong khoảng từ 6 – 6, 5 để cây hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.

- Bổ sung đủ dinh dưỡng và nước cho cây trước khi xiết nước làm hoa.

II. QUY TRÌNH LÀM BÔNG SẦU RIÊNG CHÍNH VỤ Ở TÂY NGUYÊN

1. Tạo khô hạn (cắt nước)

Để cây sầu riêng có thể phân hóa mầm hoa, cần phải tạo ra điều kiện khô hạn cho nó, và điều này đòi hỏi một khoảng thời gian sau khi cây đã được chăm sóc ổn định qua mùa mưa. Bắt đầu từ tháng 1 theo lịch dương (hoặc tháng 12 theo lịch âm), quá trình tạo ra điều kiện khô hạn cho cây sầu riêng sẽ được thực hiện bằng cách cách cắt/xiết nước.

Quy-trinh-lam-bong-sau-rieng-chinh-vu-o-Tay-NguyenQuy trình làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên

Thời điểm bắt đầu cắt nước là khi cây đã đi đủ bộ lá (ra đủ 3 cơi đọt), lá đầu đọt đã mở hết và chuyển già.

Trong quá trình cắt nước, không phun tưới cho cây. Nếu gặp mưa trong giai đoạn này cần phải đào rãnh để rút nước.

Sau khoảng 25 - 28 ngày kể từ khi tiến hành cắt nước (thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ ẩm của đất), lá đầu đọt đã phát triển hoàn chỉnh và có màu xanh đậm. Khi đó, bạn có thể tiến hành phun một loại phân bón lá có hàm lượng lân cao để kích thích mầm hoa phát triển đều đặn và đồng loạt trên cây. Hãy đảm bảo phun đều lên toàn bộ thân cây và lá.

Nếu sau 1 lần phun chưa thấy ra mắt cua hoặc mắt cua ra không đều thì phun tiếp lần 2 (phun cách lần một 7 ngày).

2. Tưới nước nuôi hoa

Khi mầm hoa (mắt cua) đã ra sáng đều, thấy rõ chồi, hoa (dài 2 – 3cm) thì nên bắt đầu tưới nước trở lại cho cây. Việc tưới nước quá sớm, đặc biệt là khi vừa nhú mắt cua có thể gây kích thích cho sự phát triển của lá trên các chùm hoa. Kết quả là dinh dưỡng sẽ tập trung vào việc nuôi lá, dẫn đến việc hoa trở nên nhỏ hơn, cuống hoa sẽ kéo dài và trở nên yếu hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và chất lượng của quả trái.

Quy-trinh-lam-bong-sau-rieng-chinh-vu-o-Tay-NguyenQuy trình làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên

Tưới nước chậm đều với lượng vừa phải, đủ độ ẩm cho tầng đất mặt từ 5 – 7cm, tránh gây sốc nước cho cây làm rụng hoa.

Sau đó định kỳ từ 3 – 5 ngày tưới nước đều cho cây để độ ẩm đất luôn ở mức 60%.

Vào thời điểm 1 tuần trước khi cây xả nhụy, cần giảm dần lượng nước tưới để hạt phấn khỏe, tỉ lệ đậu trái cao.

3. Bổ sung dinh dưỡng

Sau 5 ngày kể từ khi thực hiện việc tưới nước lần đầu tiên, chúng ta tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho cây sầu riêng bằng việc bón phân chuồng, phân hữu cơ nở hoặc NPK. Sau đó, tiến hành tưới nước để phân bón tan trong đất và sau đó che phủ bằng cỏ và các vật liệu hữu cơ khác để bảo vệ cây.

Giai đoạn này cây cũng rất cần các dinh dưỡng trung, vi lượng, amino acid để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Nên sử dụng các loại phân bón lá có đầy đủ dinh dưỡng trung vi lượng và amino acid để phun.

Bên cạnh đó nên phun kết hợp với các chế phẩm trừ sâu, côn trùng và nấm cho cây.

Lưu ý: Từ khi mắt cua trên cây bắt đầu nhú cho đến khi xả nhụy sẽ rơi vào khoảng 58 ngày. Trước lúc cây xả nhụy, cơi đọt ra cùng hoa phải chuyển lá lụa trước 3 – 5 ngày. Điều này rất quan trọng vì nếu chuyển lá quá muộn, chúng sẽ phải cạnh tranh với những bông hoa để có được dinh dưỡng, dẫn đến rụng hoa và quả non.

4. Tỉa hoa

Việc tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, để giúp cây tập trung nuôi những chùm hoa có chất lượng.

Quy-trinh-lam-bong-sau-rieng-chinh-vu-o-Tay-NguyenQuy trình làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên

- Tỉa chùm hoa

Thời điểm tỉa: Khi chùm hoa đã dài từ 3 – 5cm

Cách tỉa: Trong trường hợp của cành cấp 1, khoảng cách từ vị trí xuất hiện chùm hoa đầu tiên đến thân cây có thể biến đổi trong khoảng từ 0,5 đến 1,8 mét, tùy thuộc vào tuổi của cây. Khi cây trở nên lớn hơn và các cành ở phần dưới cây thấp hơn, vị trí để chùm hoa đầu tiên sẽ cần nằm xa hơn so với thân cây. Nếu hoa và quả được phát triển quá gần thân cây, thì chúng thường sẽ phát triển kém hiệu quả.

Đối với cành cấp 2, hãy giữ lại những chùm hoa tại vị trí của cành lớn và khỏe, nằm ở nách của cành cấp 2. Tránh để hoa ở đầu cành, vì nếu quả đậu ở đó, có thể bị gió thổi mạnh gây hỏng các cành lân cận và gây khó khăn trong việc thu hoạch. Hãy ưu tiên chọn những chùm hoa có hướng xuống phía dưới (tránh để chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Số lượng chùm hoa trên mỗi cành có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe của cành, nhưng nên giới hạn trong khoảng từ 4 đến 10 chùm hoa trên mỗi cành. Để giữ khoảng cách hợp lý giữa các chùm hoa, nên để chúng cách nhau từ 20 đến 25cm. Tránh việc để quá nhiều chùm hoa lại với nhau, để đảm bảo rằng hoa sẽ không bị nhỏ và khả năng thụ phấn bị suy giảm.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật tỉa hoa, tỉa quả sầu riêng nhằm đạt năng suất cao

- Tỉa bớt hoa trong một chùm

Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8-10cm.

Cách tỉa: Trong một chùm hoa, số lượng hoa là vô cùng đông đúc, thậm chí có chùm nào còn lên đến hơn 45 bông. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện việc tỉa bớt hững hoa trên cùng một chùm. Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.

Việc áp dụng kỹ thuật làm bông sầu riêng chính vụ ở Tây Nguyên rất đơn giản nhưng bà con cần thực hành nhiều cũng như tùy thuộc vào thực tế của từng vườn, từng cây để áp dụng cho phù hợp. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bà con sẽ nắm chắc kỹ thuật để đạt được mùa vụ sầu riêng bội thu. Chúc bà con thành công!

Nguồn: VTNN Bích Trâm Tổng hợp

Viết bình luận:
Gọi đặt hàng 2: (0262)3513125 Gọi đặt hàng 1: 0974114303
popup

Số lượng:

Tổng tiền: